Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh

Địa chỉ: Số 11, Tổ 3, Khu Nam Trung, Phường Nam Khê, TP Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 0962.37.36.38 – 0203.3850.201

Email: btxhquangninh@gmail.com

Bác Hồ – tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm theo Bác là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, nhưng cũng “không phải là bủn xỉn, tiết kiệm không phải ép nhịn ăn, nhịn mặc mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh”. 

          Người nhắc nhở: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính”.

          Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Người không nói nhiều, không hô hào đao to búa lớn mà luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm bằng chính những hành động, nếp sống của mình. Bữa ăn của Người cũng không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam: Bát cơm, quả cà muối, con cá kho, đĩa rau muống luộc… Trang phục hàng ngày của Người cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ kỹ… Nhà ở của Bác cũng “không có gì khác một ngôi nhà của nông dân Việt Nam” (lời của một người nước ngoài được Bác tiếp đã nhận xét)…. Đặc biệt, Người thường nhắc nhở cán bộ, nhân dân về thực hành tiết kiệm điện: “Nước ta còn nghèo, nên càng phải tiết kiệm điện. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp,… đều tiết kiệm điện thì chúng ta sẽ đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất”.

          Là Chủ tịch Nước, Bác được ưu tiên cấp điện trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng tinh thần dùng điện tiết kiệm của Bác đáng cho mọi người trân trọng, suy ngẫm và học tập.

          Ông Phạm Ngọc Toản, Đại tá Công an về hưu tại xã Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam), người đã từng là chiến sỹ cận vệ trung thành bên cạnh Hồ Chủ tịch trong suốt 15 năm cho đến khi Bác đi xa, kể rằng: “Bác vẫn thường dặn anh em cận vệ tắt điện khi ra khỏi phòng”. Theo ông Toản, vào những ngày hè oi bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ và rất ít khi dùng quạt điện.

          Hồi ký của các đồng chí cán bộ lão thành cảnh vệ kể lại nhiều mẫu chuyện hay. Thời gian đầu về Thủ đô, Bác ở trong ngôi nhà của người thợ điện phục vụ trong Phủ Toàn quyền cũ. Phòng ở hẹp nên mùa hè rất nóng, Bác thường dùng chiếc quạt làm bằng lá cọ.

          Có lúc thấy Bác ở chật chội, Bộ Ngoại giao đã mua cho Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Nhân lúc Bác đi công tác, anh em phục vụ đã lắp máy điều hòa. Vừa về đến nhà, Bác hỏi cảnh vệ: “Này chú! Hôm nay nhà mình có mùi gì “hôi” quá” (khi lắp máy điều hòa, nhân viên phục vụ dùng lọ nước hoa khô cho thơm phòng). Biết không giấu được Bác, các đồng chí phục vụ phải trình bày lý do về chiếc máy điều hòa.

          Không thấy Bác nói gì, nhưng đến chiều thì Bác bảo: “Các chú hãy mang chiếc máy điều hòa này cho anh em thương binh ở Hàng Bột. Hôm Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần”. Thế là ngay chiều hôm ấy anh em phục vụ phải chuyển chiếc máy điều hòa cho anh em thương binh theo yêu cầu của Bác…

          Tối 30 Tết năm 1957, thành phố vừa lên đèn thì Bác đến thăm khu tập thể công nhân Nhà máy Điện Hà Nội ở khu An Dương. Bác vào gia đình công nhân Nguyễn Văn Hào đầu tiên. Thấy Bác, ông sững người, không nói nên lời. Bác tươi cười nắm lấy tay ông:

          – Năm mới, Bác đến chúc Tết các cô chú công nhân Nhà máy điện. Nhà ta ăn Tết có vui không?

          – Dạ, thưa Bác vui lắm ạ. Bác lại hỏi:

          – Nhà ta năm nay có gói bánh chưng không?

          Bà Tĩnh vợ ông Hào thưa với Bác:

          – Dạ, nhà cháu gói được hai chục chiếc ạ. Bác bảo thế là tốt.

          Bác đến trước bàn thờ tiên tổ, hương đang tỏa khói, chắp tay vái, rồi quay ra chúc Tết mọi người. Bác dặn mọi người phải lao động tốt, sản xuất ra nhiều điện cho Tổ quốc và nhớ là phải tiết kiệm điện.

          Một đồng chí được ở gần Bác nhiều năm, kể lại:

          – Về việc tiết kiệm điện thì Bác là một tấm gương lớn. Không biết bao nhiêu lần, tự tay Bác đã tắt những bóng đèn, cái quạt, và cả cái đài nữa, khi không có ai dùng cả. Khi ra nước ngoài cũng thế, đi qua một hành lang đến nơi bạn mời Bác ở, hay trong nhà khách của bạn, thấy những bóng đèn sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Ở trong Phủ Chủ tịch, nhìn thấy ở xa có những chiếc bóng đèn sáng là Bác bảo: Chú đến xem ở đó có cần không, nếu không thì tắt đi cho đỡ lãng phí.

          Một đồng chí phục vụ Bác kể lại: Những năm được ở gần Bác, tôi luôn luôn là “cán bộ tắt đèn!”.

          Một lần, Bác đi thăm đồng bào ở một tỉnh xa. Bảy giờ sáng rồi, xe đang trên con đường Phan Đình Phùng sắp lên cầu Long Biên thì một cơ quan còn ba bóng điện sáng ở cổng. Tuy công việc đang vội, nhưng Bác vẫn bảo đồng chí lái xe dừng lại. Xe đỗ lại rồi, Bác cử một đồng chí cùng đi vào gặp cơ quan ấy nhắc: Bác Hồ đi công tác qua, bảy giờ rồi vẫn thấy các đồng chí để ba ngọn đèn sáng ở cổng, không cần thiết đâu. Bác nhắc các đồng chí tắt đi. Thế là ba ngọn đèn được tắt ngay. Sau khi được Bác nhắc nhở, cơ quan ấy tính lại thấy không cần thiết để ba ngọn đèn ở cổng nữa, bèn tháo luôn để tiết kiệm điện.

          Ngay cả khi ra nước ngoài, Bác vẫn luôn giữ thói quen tiết kiệm điện. Đi qua một hành lang đến nơi bạn mời Bác ở, hay trong nhà khách của bạn, thấy những bóng đèn sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Trong chuyến thăm Ba Lan năm 1957, khi Bác được đón tiếp tại phòng lễ tân, lúc đó khoảng 9 giờ sáng, mặt trời đã lên cao, mà 3 chiếc đèn chùm với hàng trăm bóng vẫn sáng trưng, Bác Hồ đã yêu cầu gặp Vụ trưởng Vụ Lễ tân và Người hỏi: “Chỗ tắt điện ở đâu?”. Lập tức, mấy chiến sĩ bảo vệ đi tắt điện. Chủ tịch Ba Lan Da-vát-dơ-ki (Zawasdzki) nói giọng cảm động: “Xin cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi thành thật nhận khuyết điểm chưa nghiêm túc thực hiện tiết kiệm”.

          Bác Hồ rất chú ý đến ngành Điện và Bác thường nói điện khí hóa phải đi trước một bước, qua câu chuyện kể trên, chúng ta càng thêm thấm thía về những lời chỉ dạy, nhắc nhở của Bác về thực hành tiết kiệm nói chung và tiết kiệm điện nói riêng trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và trong xây dựng, phát triển đất nước. Có thể nói, thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, một phương pháp của chế độ kinh tế, vì vậy, Người đã chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

          Đất nước ta đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh và bước vào thời kì hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thuận lợi nhiều nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn. Chính vì thế, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ và đời sống hàng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỗi chúng ta nêu cao và thực hiện việc tiết kiệm, chống lãng phí điện, nước, thời gian, tiền của…là để tăng gia sản xuất, để dần nâng cao và cải thiện đời sống của nhân dân; để tích trữ thêm vốn và các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

          Bác đi xa, nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức ngời sáng, giản dị, lớn lao và vĩ đại của Người sẽ mãi trường tồn cùng thời gian. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những hành động thiết thực nhất để mỗi chúng ta bày tỏ niềm tin yêu, kính trọng đối với Bác, là dịp để chúng ta tự nhắc nhở bản thân và những người xung quanh, tự rút ra bài học kinh nghiệm về thực hành tiết kiệm, cùng nhau đoàn kết thực hiện lời dặn của Người: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”./.

 

 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Video giới thiệu

Lịch công tác

Bài đăng gần đây

Hình ảnh hoạt động

Thống kê truy cập

Hôm nay: 23
Hôm qua: 41
Trong tuần: 635

Trong 30 ngày qua: 2038
Tổng truy cập: 960726

Đăng ký nhận tin.