Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh

Địa chỉ: Số 11, Tổ 3, Khu Nam Trung, Phường Nam Khê, TP Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 0962.37.36.38 – 0203.3850.201

Email: btxhquangninh@gmail.com

Có hai chữ “Quê hương” thiêng liêng như thế

           Nhìn thấy bà ngồi trên ghế đá trong khuôn viên, mắt hướng nhìn xa xăm như thả hồn vào khoảng không. Tôi lại gần và ngồi cạnh. Nhưng phải một lúc bà mới nhìn thấy tôi. Bà cười bảo bà đang hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn khoảng trời quê hương.

          Tôi cười và nói: “cháu nhìn bà thấy thư thái lắm, dường như rất mãn nguyện thì phải?” Bà đáp “đắm mình và sống cuối đời trên mảnh đất quê hương đúng là mãn nguyện vô cùng cháu ạ”.

          Bà là người cao tuổi sống tự nguyện tại Trung tâm. Bà hiền lành, hay cười, ai cũng có thể trò chuyện được. Cuộc sống tại Trung tâm được bà cảm nhận qua cái gật đầu, cái bắt tay và nụ cười thoải mái. Vốn là công dân thủ đô. Bà gắn bó với đất Hà thành đã nhiều năm. Bươn chải nhiều công việc để nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Bà về nghỉ chế độ tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ở cái tuổi về hưu, khi mà con cái đang tất bật để lo cuộc sống, hòa hợp cùng các mối quan hệ xã hội riêng thì bà lại mong muốn có một khoảng trời cho riêng mình. Bà trăn trở nghĩ suy nhiều ngày tháng và bà quyết định bàn với các con sẽ về dưỡng lão tại Trung tâm Quảng Ninh. Lúc đầu các con cũng có phần e ngại nhưng sau này cũng đồng ý. Bà bảo tuổi thơ của bà gắn bó với đất mỏ thân yêu. Về hít thở không khí quê hương thì nhắm mắt cũng vui.

          Mảnh đất quê hương có rừng, có biển, có nhiều kỷ niệm khắc sâu trong tâm trí bà. Tình yêu quê hương, đất nước là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp. Tuy thiêng liêng và cao đẹp đến vậy nhưng tình yêu quê hương, đất nước không phải điều gì xa xôi, to lớn mà nó thể hiện từ những điều nhỏ nhặt nhất.

          Quê hương là nơi đầu tiên đón nhận, là nơi chứng kiến những tiếng khóc chào đời hay những bước đi chập chững đầu tiên của mỗi người. Đó là nơi có những ký ức êm đềm bên người thân, là nơi mà dù chúng ta có đi đâu cũng mong có ngày trở về, như những gì mà nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng viết:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay”

          Mỗi người sẽ có một cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước khác nhau, nhưng dù thời bình hay thời chiến, tình yêu quê hương đất nước vẫn giữ nguyên giá trị và không hề thay đổi, tình yêu này chỉ ngày một lớn lên trong tiềm thức, suy nghĩ và tâm hồn của mỗi con người mà thôi. Có người yêu quê hương, đất nước chỉ đơn giản là yêu những gì thuộc về quê hương, như xóm làng, cành cây, ngọn cỏ, yêu nắng, yêu gió…và yêu những con người cùng sinh ra lớn lên ở mảnh đất đó, nơi có những người thân yêu của họ đang sinh sống; hoặc đôi khi chỉ là nỗi nhớ da diết mỗi khi xa quê, mỗi dịp lễ tết háo hức trông ngóng được trở về quê hương, trở về với gia đình của mình. Có người yêu quê hương, đất nước bằng cách biểu hiện tình cảm của bản thân đối với người thân trong gia đình, vì gia đình cũng là một phần của quê hương, đất nước.

          Tình yêu quê hương, đất nước luôn là một động lực to lớn cho mỗi người dân Việt Nam ngày đêm phấn đấu không ngừng. Còn đối với bà một người đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy như các cụ vẫn nói thì bà yêu quê hương trong chính suy nghĩ của mình. Muốn cuối đời cũng được hít thở không khí Quảng Ninh và hòa cùng nụ cười Quảng Ninh.

        Đúng là có hai chữ “quê hương” thiêng liêng như thế. Không chỉ yêu quê hương trong tiềm thức mà còn yêu quê hương ngay chính trong hành động giản dị và mong muốn cùng nghĩ suy./.

Người viết: Nguyễn Thị Thu Hà

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Video giới thiệu

Lịch công tác

Bài đăng gần đây

Hình ảnh hoạt động

Thống kê truy cập

Hôm nay: 147
Hôm qua: 100
Trong tuần: 469

Trong 30 ngày qua: 1903
Tổng truy cập: 960447

Đăng ký nhận tin.