Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh

Địa chỉ: Số 11, Tổ 3, Khu Nam Trung, Phường Nam Khê, TP Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 0962.37.36.38 – 0203.3850.201

Email: btxhquangninh@gmail.com

Di chúc Bác Hồ về tiết kiệm, chống lãng phí

Lượt xem: 12

          Trong cuốn hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc”, ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) có nêu một chi tiết rất cảm động là “ngày 10/5/1969, từ 9h30 đến 10h30, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt ra ngày 3/5/1969”.

          Nhiều thế hệ người Việt Nam cũng đã biết tới câu chuyện Bác Hồ viết giấy 1 mặt, dùng chiếc phong bì 2,3 lần. Rồi thật xúc động khi ta biết về điều căn dặn cuối cùng trong Di chúc của Bác sau bao tâm tư: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

          Thậm chí Bác còn dặn dò chi tiết hơn, đó là yêu cầu “thi hài được đốt đi”, tro thì cho vào 3 hộp sành chon trên 3 quả đồi Bắc, Trung, Nam. Cách làm đó theo Bác là không tốn đất ruộng. Người còn căn dặn rất cẩn thận chỉ trong trường hợp “khi ta có nhiều điện” thì điện táng tốt hơn. Vì với Bác, lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân là có tội với dân với nước.

          Trong danh sách những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và phải đạt hiệu quả trong từng công việc, di chúc của Bác cũng nhấn mạnh đến việc thực hành chống tiết kiệm và lãng phí.

          Lúc sinh thời, trong cuộc sống hàng ngày, từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm. Bữa ăn của Người cũng không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam: Bát cơm, quả cà muối, con cá kho, đĩa rau muống luộc… Trang phục hàng ngày của Người cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ kỹ… Nhà ở của Bác cũng “không có gì khác một ngôi nhà của nông dân Việt Nam” (lời của một người nước ngoài được Bác tiếp đã nhận xét)…

          Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người nổi tiếng với phong cách “vô ngôn”, không nói nhiều, không hô hào đao to búa lớn. Người luôn thể hiện bằng chính những hành động, nếp sống của mình  từ những việc nhỏ nhất như đôi dép cao su đến việc lớn như lựa chọn ngôi nhà mình ở và đặc biệt là quyết định cho việc hậu sự của mình để làm gương cho cán bộ, chiến sĩ.

          Bác cũng luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ “lời nói phải đi đôi với việc làm, nói mà không làm dân sẽ không tin”. Và chính tấm gương sáng về tinh thần tiết kiệm đã tạo niềm tin, là sự bảo chứng uy tín nhất đối với nhân dân cả nước.
          Điều này đã lý giải vì sao người dân cả nước đã nô nức hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm.
          Ở Hà Nội đã diễn ra phong trào tự nguyện đóng góp tiền của, vàng, bạc cho Chính phủ trong Tuần lễ Vàng, từ những người lao động nghèo khổ đến những tư sản, điền chủ giàu có… đều hưởng ứng.

          Nếu lời kêu gọi ủng hộ vàng kia không phải từ Người, chắc chắn hiệu quả của Tuần lễ Vàng có thể không đạt được thành công to lớn như thế (Tuần lễ Vàng khai mạc tại Hà Nội ngày 16/9/1945. Đến ngày bế mạc, nhân dân Thủ đô đã góp 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc, nhiều tiền bạc, hiện vật khác, tổng cộng giá trị trên 7 triệu đồng Đông Dương lúc bấy giờ).

          Số tiền ủng hộ của nhân dân Hà Nội cùng với số tiền của nhân dân cả nước (20 triệu đồng góp “Quỹ độc lập”, 40 triệu đồng đảm phụ quốc phòng, 370 kg vàng) đã giúp Chính phủ khắc phục những khó khăn về tài chính trước mắt, mua sắm thêm vũ khí.

          Quan điểm tiết kiệm của Hồ Chí Minh là không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi, phải biết quý từng đồng tiền hạt gạo của nhân dân. Cái gì không có lợi cho dân, cho cách mạng thì một xu cũng không tiêu. Cái gì có lợi cho nước cho dân thì dù tốn bao nhiêu cũng phải tiêu.

          Tiết kiệm không chỉ cho bản thân mình, mà tiết kiệm chinh là cho gia đình, xã hội, cách mạng cho Tổ Quốc và nhân dân. Tiết kiệm không chỉ là tiền bạc, thời gian mà còn là sức lao động, chất xám và làm đúng kế hoạch.

          Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to như Bác đã chỉ rõ “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm… mà lợi cho dân rất nhiều”.

          Đảng và Nhà nước đã kêu gọi Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành chống tiết kiệm và lãng phí, bởi chúng ta nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của việc chống lãng phí. Vì thế, lời dặn dò trong Di chúc và tấm gương sống của Bác Hồ về tiết kiệm chống lãng phí vẫn còn vẹn nguyên giá trị./.

Người tổng hợp: Nguyễn Thị Thu Hà

Tin tức mới nhất

Video giới thiệu

Lịch công tác

Bài đăng gần đây

Hình ảnh hoạt động

Thống kê truy cập

Hôm nay: 5
Hôm qua: 34
Trong tuần: 367

Trong 30 ngày qua: 1822
Tổng truy cập: 960063

Đăng ký nhận tin.