Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh

Địa chỉ: Số 11, Tổ 3, Khu Nam Trung, Phường Nam Khê, TP Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 0962.37.36.38 – 0203.3850.201

Email: btxhquangninh@gmail.com

Người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội du xuân, vãn cảnh chùa đầu năm

Lượt xem: 29

          Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.

         Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ. Đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi mong muốn du xuân, vãn cảnh chùa đầu năm sáng ngày 02/02/2023, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã tổ chức cho gần 30 người người cao tuổi, người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm đi chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử tại xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh.

          Chùa Lân nằm trong Quần thể di tích danh thắng Yên Tử – địa điểm hành hương tâm linh không thể bỏ qua khi về nơi đất mỏ. Đến ngày nay, công trình Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử vừa là nơi tham quan vãn cảnh và lễ Phật dành cho du khách thập phương; vừa là nơi nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ các Kinh văn, thư tịch, ấn phẩm văn hoá về Yên Tử & Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

          Vào thời Trần, chùa được khởi xây trên triền quả núi có hình con Kỳ Lân nằm phủ phục, người xưa gọi chùa là chùa LânNgoài ra, còn có điển tích lưu truyền rằng: ngày xưa, vào mùa mưa thường xảy ra hiện tượng ngập trắng nước, suối chảy mạnh. Người dân muốn vào chùa phải bám và lân theo dây để đi vào. Lâu dần cứ vào mùa nước ngập, việc lân dây vào chùa trở thành quen của người dân nên chùa có tên chùa Lân. 

          Truyền thuyết về tên chữ chùa Long Động được lưu truyền rằng:”Sau khi vượt bè vào Yên Tử, vua Trần Nhân Tông và đệ tử thân tín Bảo Sái đã nghỉ qua đây. Đêm ấy, vua nằm mơ cưỡi trên lưng Rồng vàng đưa Vua du lạc vào Động lớn. Phía dưới là hồ nước xanh nở đầy hoa sen vàng thơm nức, tỏa vầng hào quang cùng tiếng nhạc. Rồng vàng chở Vua đi chơi trong hồ sen trong động và đặt Vua lên đài sen. Vua giật mình tỉnh giấc thấy hương sen còn thoang thoảng, tiếng nhạc còn dư âm. Vua khẽ đánh thức Bảo Sái dậy, kể lại giấc mơ dị kỳ cho Bảo Sái. Hai thầy trò thắp lửa, lạ thay xuất hiện bầy Rồng đất từ đâu mò về, nằm kề bên. Thấy động chúng quất đuôi chạy biến. Vua bảo: Đây là nơi Rồng ở và đặt cho tên là Động Rồng”. Về sau, tại nơi đây xây dựng một ngôi chùa nên được gọi tên là Long Động tự (chùa Lân).

          Chùa Lân nổi tiếng gần xa là công trình kiến trúc Phật giáo mang nét đẹp cổ kính, cũng là nơi lưu giữ những Kinh văn, thư tịch, ấn phẩm văn hoá quý giá về Yên Tử & Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Bởi vậy, đây địa điểm hành hương tâm linh của rất nhiều du khách gần xa trong hành trình về với Quần thể di tích danh thắng Yên Tử. 

          Chuyến du lịch tâm linh đầu xuân cầu bình an, sức khỏe của người cao tuổi tại Trung tâm an toàn, vui vẻ. Đây cũng là hoạt động Trung tâm tổ chức để người cao tuổi, người khuyết tật được đáp ứng nhu cầu tinh thần, góp phần sống vui sống thọ tại Trung tâm.

Một số hình ảnh:

Những người cao tuổi, người khuyết tật đi chùa vãn cảnh cùng CBVC,LĐ

 

Người đưa tin: Nguyễn Thị Thu Hà

Tin tức mới nhất

Video giới thiệu

Lịch công tác

Bài đăng gần đây

Hình ảnh hoạt động

Thống kê truy cập

Hôm nay: 3
Hôm qua: 45
Trong tuần: 593

Trong 30 ngày qua: 1909
Tổng truy cập: 959658

Đăng ký nhận tin.