Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh

Địa chỉ: Số 11, Tổ 3, Khu Nam Trung, Phường Nam Khê, TP Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 0962.37.36.38 – 0203.3850.201

Email: btxhquangninh@gmail.com

Hoạt động CTXH nhóm:“Chia sẻ về quan điểm lời chào”

         Trong cuộc sống hàng ngày, lời chào có một vai trò vô cùng quan trọng. Từ xa xưa, ông cha ta đã nhắc nhở rằng “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Lời chào thể hiện nét cư xử lịch sự của bản thân và sự tôn trọng với người đối diện. Dân tộc Việt Nam ta từ xa xưa vốn rất coi trọng lễ nghĩa. Trong các nguyên tắc ứng xử truyền thống, người Việt Nam đề cao tình cảm, đạo đức hơn vật chất. Người được mọi người yêu quý khi họ biết cư xử đúng mực, trọng nghĩa và lấy cái tình, cái nghĩa làm trọng. Lời chào sẽ khiến cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn. Nó gắn kết mọi người với nhau, gắn kết cộng đồng lại làm một.

          Vậy mà, ngày nay đối với một bộ phận thanh thiếu niên, dường như lời chào trở nên không còn quan trọng nữa. Họ coi chào hỏi là thừa thãi, là vô ích. Ra đường, ra ngõ, gặp người khác, các bạn ấy có thể “bơ” đi, có thể coi như không có chuyện gì mà lờ đi. Tệ hại hơn, có những bạn trẻ không chào hỏi ngay cả đối với những người lớn tuổi có quan hệ mật thiết với các bạn ấy. Giờ đây, học sinh không chào thầy cô là một chuyện bình thường. Ngay cả cái gật đầu để chào hỏi nhau nhiều khi thế hệ thanh niên còn tiết kiệm. Đi qua nhau, đi ngang nhau, chúng ta không cần phải hồ hởi, không cần phải “Tay bắt mặt mừng”, không cần phải reo hò vì được gặp nhau mà chỉ cần một nụ cười tươi, một cái gật đầu hoặc một lời hỏi thăm sức khỏe là đã có thể thể hiện được tấm lòng của mình đối với người khác.

Quang cảnh sinh hoạt nhóm

          Trong buổi sinh hoạt nhóm được tổ chức thường tuần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, chia sẻ về quan điểm lời chào, những người cao tuổi tại Trung tâm đã thể hiện quan điểm cá nhân của mình về phong tục, nét đẹp văn hóa của dân tộc.

          Ông Đỗ Văn B cho biết: “Xã hội thay đổi nhưng giấy luôn phải giữ lấy lề. Quan điểm chào hỏi khi gặp người lớn tuổi phải thật lễ phép, tích cực”.

          Bà Nguyễn Thị R chia sẻ: “Không còn như xưa trẻ gặp người lớn phải cúi gập chào, ngày nay xã hội hiện đại các cháu gặp người già chỉ cần cháu chào ông, cháu chào bà là cũng quý rồi”.

          Bà Nguyễn Thị Đ có quan điểm: “Trẻ bây giờ không như xưa, cần giữ thái độ sống lễ phép. Lời chào cao hơn mâm cỗ, cần thiết phải chào hỏi nhau nhất là những thanh niên, những người trẻ tuổi”.

          Bà Trần Thị Hải A viết một đoạn thơ về quan điểm lời chào:

“ Gặp nhau ta hỏi ta chào

Khác gì một đóa hoa đào xinh tươi

Đó là đạo đức tình người

Trong ta là cả tiếng cười ròn tan”.

 

Người cao tuổi chia sẻ quan điểm lời chào

          Sau nội dung chia sẻ về quan điểm lời chào, người cao tuổi và người khuyết tật được tìm hiểu thêm về nét đẹp chào hỏi của các nước phương Tây để thấy được nét đẹp văn hóa của các đất nước. Người cao tuổi, người khuyết tật đã vui vẻ thể hiện lại những cách chào hỏi độc đáo.

Người cao tuổi, người khuyết tật nhận quà khi thể hiện các cách chào độc đáo

          Văn hóa chào hỏi là một tục lệ đẹp của dân tộc Việt Nam cần phải duy trì và phát huy trong xã hội ngày nay và mai sau. Cuộc sống phát triển cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp con người có thể kết nối được với nhiều người trên nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau. Thông qua buổi sinh hoạt nhóm, người cao tuổi tại Trung tâm có cơ hội trao đổi, bày tỏ quan điểm của mình và được tham gia các hoạt động nhóm một cách vui vẻ, ý nghĩa. Nội dung buổi sinh hoạt nhóm chính là thông điệp nhắn gửi để duy trì một mối quan hệ tốt đẹp xung quanh chúng ta – cần lắm giữ gìn văn hóa chào hỏi./.

Người đưa tin: Nguyễn Thị Thu Hà.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Video giới thiệu

Lịch công tác

Bài đăng gần đây

Hình ảnh hoạt động

Thống kê truy cập

Hôm nay: 1
Hôm qua: 48
Trong tuần: 369

Trong 30 ngày qua: 1894
Tổng truy cập: 959979

Đăng ký nhận tin.