Trung tâm Bảo trợ xã hội tổ chức du lịch tâm linh cho Người cao tuổi, Người khuyết tật

         Nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi và người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh được chiêm bái lễ Phật; ngày 24/6/2022, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã tổ chức chuyến hành hương về miền đất Phật cho người cao tuổi, người khuyết tật tại các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn Thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều: chùa Quỳnh Lâm – đền An Sinh – chùa Trình. Dưới sự hỗ trợ của đội tình nguyện viên công tác xã hội thuộc Trung tâm, 40 người cao tuổi, người khuyết tật đã có một hành trình đầy ý nghĩa.

          Điểm đến đầu tiên là Chùa Quỳnh. Chùa Quỳnh (Quỳnh Lâm tự) toạ lạc trên một ngọn đồi thoải, thuộc xã Tràng An (thị xã Đông Triều) trong khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Chùa được xây dựng từ lâu và được tu sửa qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Thời Lý, nhà sư Không Lộ đã cho đúc một pho tượng Di Lặc bằng đồng cao 6 trượng, được coi là một trong “An Nam tứ đại khí” (bốn báu vật lớn của Việt Nam) và một tấm bia đá lớn cao 2,5m với hoa văn hình rồng uốn lượn mềm mại. Năm 1316, thiền sư Pháp Loa cho xây dựng và thành lập Phật viện Quỳnh Lâm với kiến trúc đồ sộ, là trung tâm truyền kinh giảng đạo lớn nhất của nước ta. 

          Điểm đến thứ hai của đoàn là Khu di tích Đền An Sinh. Khu di tích Đền An Sinh thuộc địa phận ở An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, bao gồm đền An Sinh và các lăng mộ các vị vua nhà Trần. Đây là một trong những di tích quan trọng tiêu biểu cho hệ thống di tích nhà Trần ở Đông Triều, nơi thực hiện các nghi lễ thờ tự và tế lễ. Kiến trúc đền An Sinh được chia làm ba toà với ba cấp nền khác nhau. Vào thời Nguyễn, đền được xây dựng lại với kiến trúc gồm ba toà nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ “Tam”. Sau khi phục dựng vào năm 2000, hình ảnh đền An Sinh hiện nay là theo lối kiến trúc hình chữ “công” . Tòa chính điện và hậu cung là nơi đặt tượng thờ tám vị vua Trần. Toà trung cung đặt tượng thờ Trần Hưng Đạo và tiền đường đặt bát hương công đồng và một số đồ tế khí…Hai bên tả hữu là khu tiếp khách, nhà bảo tàng để góp phần quảng bá các giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của quần thể các di tích nhà Trần ở Đông Triều. Ngoài ra, bên cạnh đền có hai miếu nhỏ, một thờ công chúa Linh Xuân nước Ai Lao và một thờ Đức Thánh Khổng Tử.

          Điểm đến cuối cùng của đoàn là chùa Trình Yên Tử. Chùa Trình Yên Tử được biết đến là ngôi chùa cửa ngõ trước khi thăm quan Yên Tử. Nơi đây được biết đến là nơi vua Trần Nhân Tông đã dừng chân nghỉ ngơi trước khi lên núi Yên Tử. Chùa Trình có kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, có Tiền đường, Chính điện thờ Phật, Tả vu, Hữu vu thờ Thập Bát La Hán, có nhà Tổ, thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Ban Trần Triều, thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Tam Vương theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt. Các pho tượng được đúc bằng đồng và tạc bằng gỗ Mít, gỗ Hương. 

          Chuyến hành hương về miền đất Phật là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của người cao tuổi và người khuyết tật tại Trung tâm để có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa, phật giáo tại Quảng Ninh. Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo trợ xã hội sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động chăm lo về đời sống tinh thần cho những người được chăm sóc tại Trung tâm, đặc biệt là những chuyến du lịch tâm linh để cầu mong bình an cho tất cả mọi người./.

Một số hình ảnh về chuyến đi ý nghĩa:

Hình ảnh kỷ niệm tại chùa Quỳnh

Hình ảnh kỷ niệm tại Đền An Sinh

Người đưa tin: Nguyễn Thị Thu Hà.

Đăng ký nhận tin.