Mỗi gia đình đều có cuộc sống và những hương vị nhất định. Và tại Trung tâm BTXH tỉnh QN hương vị ấy được ví như hương vị của sự yêu thương, hương vị của sự đồng cảm, sẻ chia. Hương vị tình thân của những người không cùng huyết thống, nhưng lại có chung hoàn cảnh.
Mỗi một người cao tuổi hay người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH đều có những hoàn cảnh khác nhau. Họ cùng sống trong Trung tâm, dưới một mái nhà đầm ấm đầy hương vị của gia đình, trong đó các thành viên luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau trong cuộc sống hằng ngày. Bà Đào Thị Lành là một người phụ nữ có dáng người nhỏ bé, nhưng lại có một tấm lòng rộng mở, rất đáng trân quý. Mặc dù bản thân là người khuyết tật bẩm sinh, nhưng bà luôn tự chủ tham gia mọi hoạt động do Trung tâm tổ chức. Bà tình nguyện giúp đỡ những người cùng phòng, cùng dãy nhà của mình. Chỉ bảo, hướng dẫn các cháu người khuyết tật về trí tuệ trong các sinh hoạt hằng ngày dù là nhỏ nhất. Bà luôn tâm niệm, cuộc sống của bà đã không may mắn như bao người nhưng bà còn có khả năng đi lại, còn nhận thức được nên bà muốn đem sức nhỏ bé của mình giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Bà coi Trung tâm là nhà thứ 2 của mình, coi các cán bộ nhân viên nơi đây như ruột thịt, coi những người cùng cảnh với mình là người thân trong gia đình. Hơn nữa cơ duyên khi vào Trung tâm, bà được gặp ông- một người hiền lành tốt bụng. Nhưng ông không may mắn đã mất đi đôi mắt của mình. Vì vậy bà đã rất thương cảm, với tấm lòng của mình, bà đã chia sẻ với ông, giúp đỡ ông trong cuộc sống hằng ngày. Bà là đôi mắt của ông, để ông bớt phần khó khăn hơn trong sinh hoạt cá nhân. Cuộc sống của bà cũng trở nên ý nghĩa hơn khi phòng ở nhỏ bé như một gia đình ấm cúng. Có ông, có bà và các cháu. Gia đình nhỏ trong một gia đình lớn ấm áp và đầy tình thương yêu thật sự. Mỗi lần nhìn ông là ánh mắt bà rạng ngời, ánh lên niềm hạnh phúc. Ánh nhìn biết nói ấy như muốn thủ thỉ với ông rằng: “ Ông ơi nắm lấy tay tôi, tôi đưa ông đến những nơi ông cần, cảnh già mình cùng giúp nhau, để sống vui vẻ an yên suốt đời”. Cứ xa bà một tí thôi là ông đã hỏi và tìm bà bằng được rồi, cử chỉ yêu thương của ông dành cho bà không thể nói lên thành lời, ông không nhìn được nên thường biểu hiện tình cảm của mình bằng cái nắm tay bà. Tôi vẫn còn nhớ, có lần bà ốm phải nằm viện nhưng vẫn không yên tâm về ông, cứ lo đến mất ăn, mất ngủ. Bà chia sẻ “ Bà lo ông ở nhà không có bà sẽ buồn lắm cháu ạ, rồi thì ông mà không có bà bên cạnh là lười ăn lắm, không biết ông có ngủ được không?”. Vừa thương bà, và cả thương ông nữa. Tôi và các nhân viên tại Trung tâm đã động viên bà yên tâm vì đã có nhân viên chăm sóc luôn sẵn sàng trợ giúp ông trong thời gian bà đi vắng. Ông thì một ngày phải gọi điện cho bà mấy lần để an ủi và động viên bà chịu khó chữa bệnh cho nhanh khỏi còn về với ông, không ông mong lắm.
Tình cảm đặc biệt của ông bà dành cho nhau thật đáng trân trọng. Nó không chỉ đơn thuần là tình cảm của đôi bạn già, mà nó là sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, ốm đau, bệnh tật. Là sự đồng cảm, sẻ chia với nhau đến hết quãng đời còn lại của mình. Tuy rằng bà gặp khó khăn trong đi lại, nhưng với niềm thương cảm nên ngày qua ngày bà vẫn dắt ông đi dạo, lên nhà ăn, đi tập phục hồi chức năng… Ông vốn bị khuyết tật thị giác nên mọi sinh hoạt rất khó khăn, nhưng trời không lấy đi của ai tất cả. Dù thời gian đã nhiều năm nhưng bà Lành vẫn gắn bó với ông và không chịu rời ông dù là nửa bước. Nhìn hình ảnh hai ông bà trong căn phòng ấm cúng nơi Trung tâm thấy thấm thía từng lời thơ:
“Tui chỉ cần, như thế này thôi!
Tuổi xế chiều…vẫn bên nhau bà nhỉ!
Đời đã cho tui, một người tri kỷ…
Để tui hiểu rằng, hai tiếng yêu thương.
Ông giờ đây…vẫn đẹp lạ thường…
Dẫu thời gian, xóa nhoà đi tất cả.
Tui vẫn yêu ông, một lòng một dạ…
Dù bước đường…có những lúc chênh vênh.
Bà biết không, có đôi lúc buồn tênh…
Khi bên tui…không có bà bên cạnh.
Trời mùa hè, nhưng lòng sao thấy lạnh.
Như đôi chim…lẻ bạn xa bầy.
Ở tuổi mình…tình đâu thể nồng say…
Nhưng cái cần, là một vòng tay ấm!
Một bóng hình và nghĩa tình sâu đậm…”
( Trích đoạn bài thơ “ Thuỷ chung” của tác giả Ngọc Nghĩa)
Đối với mỗi người, khi sinh ra, lớn lên và được lành lặn là điều rất đỗi bình thường. Nhưng đối với những người khuyết tật, người khuyết tật cao tuổi cô đơn, thì được mong là một người lành lặn, được sinh hoạt bình thường như bao người cũng là một giấc mơ. Nhưng chính trong ngôi nhà Trung tâm Bảo trợ xã hội, những hoàn cảnh éo le đó là những mảnh ghép của cuộc đời, giúp cho họ tìm thấy nhau, chia sẻ với nhau và trở thành một mảnh ghép tròn đầy. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng họ vẫn tìm thấy niềm vui, sự đồng cảm nơi đây, thấy cuộc sống về già sao mà ý nghĩa. Đó chính là hương vị tình thân của cuộc sống, cuộc sống nơi Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh./.
Người đưa tin: Dương Thị Ngọc