Có biết bao bài thơ lời ca đi cùng năm tháng viết về tình mẫu tử thiêng liêng. Đó là những tiếng lòng của mỗi người con gửi đến mẹ, là những niềm thương da diết trong trái tim người mẹ dành trọn cho con trên mỗi bước đường đời. Như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”
Tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng nhất là tình mẫu tử. Trên đời này, điều gì cũng có thể dễ dàng thay đổi nhưng có lẽ tình mẫu tử là tình cảm mãi nguyên vẹn và tròn đầy, lớn lao, cao đẹp nhất. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và cao quý. Mẹ dành trọn cuộc đời để cưu mang, dạy dỗ và nuôi nấng con nên người. Bao sự vất vả, gian lao, nhọc nhằn không làm mẹ mệt mỏi khi nghĩ về những đứa con yêu. Người mẹ dành trọn sự hi sinh thầm lặng lo cho con, những nếp nhằn hằn sâu trên trán, những đôi tay chai sần, làn da nắng rám ấy là bao nhiêu vất vả mà mẹ đã trải qua vì những người con.
Tình mẫu tử là thứ tình cảm trân quý vô cùng. Chính bởi vậy đạo hiếu với bậc sinh thành, dưỡng dục cũng là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Được sống trong sự bao bọc của tình mẹ là điều hạnh phúc nhất cuộc đời. Đã có rất nhiều những mảnh đời mồ côi cả cha lẫn mẹ, đối với họ cuộc sống gia đình nơi có bố, có mẹ yêu thương là niềm mơ ước lớn lao.
Từ xưa đến nay có biết bao nhiêu lời thơ, tiếng hát đã nói về tình cảm ấy:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
(Ca dao)
Cuộc đời như một hành trình trải nghiệm có vấp ngã, có đứng lên. Ta gặp rất nhiều người trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc nhưng có mấy ai đủ để ta tin tưởng và dựa vào. Nhưng luôn có một người sẵn sàng vì bạn mà quên đi bản thân mình, luôn nắm tay bạn trong mọi hoàn cảnh. Người vĩ đại ấy chính là mẹ với một tình mẫu tử cao đẹp. Nhà soạn kịch Bernard Shaw đã từng nói: “Vũ trụ có nhiều kì quan nhưng kì quan tuyệt phẩm nhất chính là trái tim người mẹ”. Tình thương của mẹ dành cho con cái bao la, rộng lớn và dù mọi thứ tình cảm trên cuộc đời có đổi thay thì tình mẫu tử ấy vẫn sống mãi.
Gương mặt trầm ngâm đượm buồn, nhưng lại ánh lên niềm hạnh phúc khi bà kể lại câu chuyện của mình và cô con gái bé bỏng.
Bà tên là Nguyễn Thị Bích Thảo, là một người phụ nữ hết mình vì gia đình. Bà Thảo là một người phụ nữ đẹp, dáng người cao, mảnh khảnh, nước da sáng, cùng khuôn mặt phúc hậu. Bà Thảo lập ra đình sớm, vợ chồng bà có cuộc sống rất hạnh phúc, nhưng thật không may mắn cho hai ông bà là đã trải qua nhiều năm kết hôn mà tình yêu của ông bà không có quả ngọt. Ông bà vẫn không có con. Vào tháng 8/1973 may mắn và hạnh phúc đã đến với bà khi gia đình bà đã xin nhận một đứa con nuôi cho bà. Thời điểm ấy, chị Dương Thị Thúy Liễu mới có vài ngày tuổi. Thế là niềm hạnh phúc sau bao ngày tháng mong chờ đã thành hiện thực. Bế đứa trẻ trên tay bà như vỡ oà, bà khóc trong niềm vui và hạnh phúc. Từ nay, cô con gái bé bỏng sẽ có một cuộc sống mới có đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ. Những ngày tháng đầu khi nhận nuôi chị Liễu, bà rất vất vả, dành dụm từng đồng để nuôi con, dành cho con những gì tốt đẹp nhất có thể. Nhưng thật không may đến 6 tháng tuổi cô côn gái bé bỏng của bà không có sự phát triển bình thường như những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Đầu của chị Liễu ngày một phình to ra. Bằng tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ, bà Thảo đã tìm mọi cách chạy chữa cho con, nhờ bác sĩ giúp những cách điều trị tối ưu nhất, nhưng vẫn không thay đổi. Qua giới thiệu bà tìm đến một vị Giáo sư tại một bệnh viện tại Hà Nội, sau thăm khám cho Liễu và có kết luận: con gái của bà bị úng thuỷ não. Như tiếng sét ngang tai, bà rất buồn và suy sụp. Nhưng bằng trái tim và tấm lòng cao cả vô bờ bến của một người mẹ, bà tự nhủ với chính mình rằng phải luôn cố gắng, làm chỗ dựa cho con.
Ngày tháng trôi qua cô con gái bé bỏng đỏ hỏn ngày nào giờ đã 48 tuổi. Hai mẹ con bà Thảo đã vào Trung tâm Bảo trợ xã hội nhiều năm nay, nhưng không khi nào bà chịu rời con gái dù là nửa bước. Tuy không phải ruột thịt nhưng bà chăm sóc tận tình, yêu thương coi chị Liễu như con của mình. Bằng tình yêu thương của mẹ dành cho đứa con của mình. Chăm sóc và nuôi nấng người bình thường đã rất khó rồi, bà Thảo lại tuổi cao sức có hạn chăm sóc con tật nguyền, từ miếng ăn, giấc ngủ. Chị sống và lớn lên trong vòng tay yêu thương bao bọc của bà người mẹ dù tóc đã bạc phơ vẫn ngày ngày chăm bẵm đứa con mình nhận nuôi thuở còn đỏ hỏn. Bà luôn dành cho cô con gái của mình cử chỉ yêu thương trìu mến, ngọt ngào, nhẹ nhàng ” cô công chúa của mẹ”. Và tôi vẫn hay trêu bà bà là hoàng hậu còn chị Liễu là công chúa. Công chúa xinh gái nhất trung tâm. Thế là cả bà và chị đều cười. Một nụ cười hạnh phúc toả nắng trên môi. Vất vả là vậy, nhưng bà không một lời oán thán hay kêu ca.
Dù năm nay đã 48 tuổi nhưng đối với bà Thảo, chị Liễu vẫn luôn là cô công chúa bé bỏng ngày nào. Bà ôm chị trong vòng tay đầy ấm áp của mình, ru chị ngủ. Chuyện tưởng chỉ có trong chuyện cổ tích mà đã hoá đời thường. Một nghĩa cử cao đẹp của tình người.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo đang cảm thấy yên tâm khi 2 mẹ con được sống tại Trung tâm
và nhờ vào sự trợ giúp của cán bộ nhân viên Trung tâm BTXH
Tại Trung tâm hằng ngày hai mẹ con bà Thảo luôn nhận được sự trợ giúp, động viên từ phía Lãnh đạo cũng như những nhân viên chăm sóc, trợ giúp tại Trung tâm. Vì tuổi bà đã cao và sức khỏe yếu nên các nhân viên chăm sóc luôn thường xuyên hỗ trợ bà trong việc vệ sinh phòng ở, chăm sóc cá nhân cho chị Liễu. Tâm tư trò chuyện cùng bà, nhìn thấy nụ cười luôn nở trên môi bà, chúng tôi- những nhân viên chăm sóc thật sự cảm thấy rất vui. Bà hay gọi chúng tôi với giọng trìu mến “ Các con của mẹ”. Ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh, hai mẹ con bà Thảo sẽ không phải chịu những khó khăn, vất vả một mình nữa, ngôi nhà thứ hai này sẽ là nơi viết tiếp chặng đường tươi đẹp của người mẹ vĩ đại ấy, sẽ luôn luôn che chở cho đứa con tật nguyền của mình. Người phụ nữ có gương mặt đẹp và phúc hậu ấy chứa trong tim mình một trái tim yêu thương to lớn, đó chính là “ Trái tim người mẹ”.
Người đưa tin: Dương Thị Ngọc