Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/03

Lượt xem: 5

Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg về việc lấy ngày 25/3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Trong những năm qua, nghề công tác xã hội ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng: khuôn khổ pháp lý từng bước được hoàn thiện; mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ làm công công tác xã hội trong cả nước đã được hình thành rộng khắp. Hiện cả nước đã có 438 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có trên 40 Trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Các tỉnh, thành phố đã hình thành, phát triển mạng lưới trên 30.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội. Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu tiếp cận được các dịch vụ trợ giúp, góp phần thực hiện mục tiêu vì an sinh xã hội và sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nghề công tác xã hội ngày càng được chú trọng. Hiện nay, cả nước có gần 60 trường đại học, cao đẳng có đào tạo về công tác xã hội và trên 20 cơ sở dạy nghề về công tác xã hội, tuyển sinh hàng năm khoảng 3.500 chỉ tiêu cử nhân/năm; có 3 trường đào tạo thạc sĩ, 2 trường đào tạo tiến sĩ công tác xã hội.

Tuy nhiên, nghề công tác xã hội vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu thực tế, trong đó: cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển nghề công tác xã hội; phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ thực hiện công tác xã hội; hoàn thiện chương trình đào tạo công tác xã hội theo hướng hội nhập quốc tế.

Đối với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh, là một trong những cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua Trung tâm đã cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tổ chức nhiều hoạt động công tác xã hội, chủ động, sáng tạo từng bước khẳng định vai trò của mình trong công tác trợ giúp nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên công tác xã hội của Trung tâm thực hiện nhiệm vụ trong trợ giúp Người cao tuổi

Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho nhóm người cao tuổi, người khuyết tật, người tự nguyện có nhu cầu trợ giúp xã hội, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, Trung tâm luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại đơn vị: Duy trì hoạt động của trang tin điện tử với tên miền http://baotroxahoiquangninh.vn (thống kê trung bình năm có số truy cập đạt 25.155 lượt người); đăng tin bài trên trang tin của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh; thực hiện phóng sự ngắn về hoạt động chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm trên các phương tiện truyền thông…; biên tập, tổng hợp và xuất bản được  một số tài liệu về công tác xã hội:  Sách chuyện người cao tuổi, Cẩm nang chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Sổ tay kỹ năng kiểm huấn công tác xã hội tại cơ sở bảo trợ xã hội. Trung tâm đã in hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền các dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm đến cộng đồng.

Các hoạt động kết nối cộng đồng được Trung tâm tổ chức triển khai thực hiện tốt: duy trì hoạt động của 02 Câu lạc bộ tình nguyện viên công tác xã hội và Câu lạc bộ gia đình có người cao tuổi cần chăm sóc; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho các tình nguyện viên công tác xã hội, trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt nhóm với nhiều hình thức phong phú cho các đối tượng được chăm sóc tại Trung tâm, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các đối tượng, như: tổ chức công tác xã hội nhóm, sinh hoạt nâng cao đời sống tinh thần, tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức và kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ.

Ngoài ra, Trung tâm luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho những cán bộ, viên chức, người lao động tại Trung tâm để nâng cao trình độ, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Các vị trí việc làm được sắp xếp  hợp lý với tình hình thực tế đã phát huy hiệu quả trong công tác triển khai nhiệm vụ.

Trong thời gian tiếp theo, Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp tục mở rộng các dịch vụ công tác xã hội, như: triển khai tiếp nhận chăm sóc bán trú, trị liệu cho các đối tượng tự nguyện đóng góp kinh phí; mở rộng dịch vụ y tế phục hồi chức năng cho người cao tuổi ngoài cộng đồng nhằm cung cấp dịch vụ toàn diện nhất đến những nhóm yếu thế có nhu cầu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh./.

 

 

 

 

Đăng ký nhận tin.