Khi bước sang giai đoạn tuổi cao sức khỏe, sức đề kháng và hệ miễn dịch của người già đều suy giảm, nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Đặc biệt là khi thời tiết có nhiều biến đổi như mùa hè, nắng nóng làm cơ thể dễ mất nước, suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu. Để bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi trong những ngày mùa hè oi bức người cao tuổi nên lưu ý:
- Một số bệnh người cao tuổi dễ mắc trong mùa nắng nóng
Thời tiết nắng nóng, ngột ngạt, khó chịu của mùa hè sẽ khiến người cao tuổi mệt mỏi, chán ăn, giảm sức đề kháng. Chính vì vậy mùa hè là thời điểm người cao tuổi dễ mắc nhiều căn bệnh như:
- Bệnh đường hô hấp
Bệnh cảm cúm và các bệnh đường hô hấp gia tăng khi trời nắng nóng do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý, khoa học như tắm ngay sau khi đi nắng về. Nếu nhẹ có thể bị sổ mũi, đau đầu, ớn lạnh, viêm đường hô hấp trên, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi.
- Bệnh tăng huyết áp
Cơn tăng huyết áp kịch phát là vấn đề đáng lo ngại do trạng thái nóng lạnh đột ngột như tắm nước lạnh, nằm máy lạnh nhiệt độ thấp quá hoặc đang nóng đi vào phòng máy lạnh, tắm nước lạnh ngay. Tăng huyết áp đột ngột, nếu nhẹ có thể thấy hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim, nếu nặng có thể xuất huyết não, đột quỵ.
- Bệnh tim mạch
Mùa hè người cao tuổi dễ bị tim mạch do thời tiết nóng nực, mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể mất chất điện giải và mất nước. Từ đó tim đập nhanh và dễ gây nên tình trạng tụt huyết áp.
- Bệnh xương khớp
Không chỉ có mùa đông người cao tuổi mới bị đau nhức xương khớp. Thời tiết khó chịu mùa hè khiến người cao tuổi mất ngủ, trằn trọc, khiến các cơn đau xương khớp trầm trọng hơn, nhất là các khớp vai gáy, khớp gối, cột sống thắt lưng, các khớp ở bàn tay, bàn chân.
- Rối loạn tiêu hóa
Chứng rối loạn tiêu hóa vào mùa hè cũng gia tăng do thức ăn dễ bị hư hỏng một cách nhanh chóng nên vi khuẩn cũng dễ sinh sôi và phát triển hơn. Người cao tuổi ăn uống không hợp lý thường bị đi ngoài phân lỏng và đi nhiều lần trong ngày dễ dẫn đến mất nước và chất điện giải. Chứng táo bón cũng dễ xảy ra gây trướng bụng khó chịu. Chứng táo bón xảy ra do người cao tuổi ít ăn rau, uống nước không đủ.
- Các bệnh về da
Do sự thay đổi nhiệt độ của mùa hè và sức đề kháng giảm tạo điều kiện lây lan các tác nhân gây viêm da. Các trường hợp như viêm da dị ứng, nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét hay bệnh zona thần kinh tổn thương da có thể gây bội nhiễm, đau nhức, khó chịu trong thời gian dài.
- Một số biện pháp để phòng bệnh mùa hè cho người cao tuổi
Thứ nhất: Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi: đối với người già, một chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý là vô cùng quan trọng. Người cao tuổi nên ăn uống đúng giờ và đúng bữa. Ăn nhiều thực phẩm nâng cao sức đề kháng, giầu chất đạm như thịt,cá, tôm,cua, đậu phụ… Đồng thời người cao tuổi cần bổ sung trái cây tươi, rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của co thể. Hạn chế ăn các chất ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn tươi sống.
Thứ hai: Hạn chế ra ngoài vào thời điểm nắng nóng: nhiều người cao tuổi hay có thói quen đi bộ tập thể dục buổi sáng hay buổi chiều. Tuy nhiên vào thời tiết nắng nóng như mùa hè chúng ta nên khuyên người già đẩy thời gian tập luyện sớm hơn vào buổi sáng và muộn hơn vào buổi chiều. Nên hạn chế ra ngoài đường từ 10h sáng đến 16h chiều vì rất dễ bị cảm nắng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Thứ ba: Uống nhiều nước cũng là cách để bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi. Vào mùa hè cơ thể rất rễ bị mất nước và điện giải. Đối với người già, khi cơ thể bị mất nước sẽ gây ra các triệu chứng như bủn rủn tay chân, dễ cáu gắt, thậm chí huyết áp hạ xuống thấp có thể dẫn đến đột quỵ. Chính vì vậy phải thường xuyên uống nước dù chưa khát. Không để tình trạng khát nước.
Thứ tư: Lựa chọn trang phục thoải mái, thoáng mát. Quá trình lão hóa kéo theo đó là sự giảm sút của cơ chế điều hòa thân nhiệt khiến cơ thể người già dễ bị tăng thân nhiệt hơn. Chính vì thế chúng ta nên chọn những bộ trang phục có chất liệu thoáng mát cho người già để dễ dàng thấm hút mồ hôi, phù hợp trong thời tiết oi bức.
Thứ năm: Sử dụng quạt và điều hòa một cách hợp lý. Không nên bật quạt tốc thẳng liên tục vào người dưới nền nhiệt độ thấp của điều hòa vì điều này rất dễ nguy hiểm có thể bị cảm lạnh và tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy khi dùng điều hòa chung ta nên để ở nhiệt độ từ 25- 28 độ C là hợp lý với người cao tuổi.
Thứ sáu: Thường xuyên kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi. Để có một mùa hè an toàn với những người cao tuổi có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao cần phải theo dõi thường xuyên tình trạng huyết áp, tránh tình trạng huyết áp tăng quá cao hay hạ đột ngột sẽ rất nguy hiểm.
Thứ bảy: Người cao tuổi cần có chế độ tập luyện điều độ và hợp lý: Người cao tuổi nên tập luyện ít nhất 20phút/ ngày các bài tập đi bộ, dưỡng sinh kết hợp hít thở sâu. Không nên thực hiện các bài tập quá sức để tránh gây tổn hại
Người tổng hợp tin: Ninh Thị Vui