Trung tâm Bảo trợ xã hội đẩy mạnh các hoạt động công tác xã hội

Lượt xem: 44

          Trên thế giới, Công tác xã hội (CTXH) được xem như là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ qua, khởi đầu cũng mang đậm tính nhân đạo, nhưng về sau, xuất phát từ các vấn đề xã hội mới nảy sinh cùng với sự phát triển kinh tế, xuất hiện những vấn đề cần giải quyết cho xã hội như tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng giới, và giúp đỡ những thành phần dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, người tàn tật, trẻ đường phố, trẻ bị lạm dụng… Vì lí do này, công tác xã hội đã bắt đầu xuất hiện, tồn tại và hoạt động nhằm hỗ trợ và giúp đỡ những người gặp khó khăn, bệnh tật hoặc những người kém may mắn, không có nơi nương tựa (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già. Thực tế, công tác xã hội đã bắt đầu chuyên nghiệp hóa, và ngày nay, nó tồn tại như một nghề chính thống trên 90 quốc gia.

          Tại Việt Nam, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020 với mục tiêu: “Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. Từ đó, công tác xã hội đã chính thức được coi là một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã ngạch viên chức. Theo Đề án, hiện số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số cả nước, đây là một con số không hề nhỏ cho trách nhiệm của ngành CTXH nói chung và của các nhân viên CTXH nói riêng.

          Với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá  tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đồng thời góp phần phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội để cùng nhau hướng tới một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

          Quảng Ninh là một trong những tỉnh phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) sớm trong cả nước. Hiện mạng lưới CTXH đã bao phủ rộng khắp nhằm kịp thời cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, trợ giúp các đối tượng yếu thế, giảm nguy cơ dẫn đến xâm hại, bạo lực, bất bình đẳng giới…

          Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị trực thuộc Sở Lao động TB&XH thực hiện cung cấp các dịch vụ CTXH cho nhóm người cao tuổi, người khuyết tật, người cần bảo vệ khẩn cấp, người tự nguyện…Hiện nay Trung tâm trợ giúp thường xuyên cho trên 150 đối tượng trong đó 90 đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 60 đối tượng tự nguyện.

          Trong những năm gần đây, Trung tâm thường xuyên quan tâm chú trọng xây dựng đội ngũ nhân viên công tác xã hội. Hằng năm Trung tâm đều cử CBVC, LĐ tham gia các khóa tập huấn kiến thức, nghiệp vụ về công tác xã hội do Cục Bảo trợ xã hội và Sở Lao động TB&XH Quảng Ninh tổ chức. Bên cạnh đó Trung tâm tạo điều kiện cho CBVC, LĐ tham gia các lớp đào tạo dài hạn về chuyên môn Công tác xã hội.Đến nay đội ngũ cán bộ viên chức, lao động cơ bản đã được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác xã hội. Hiện nay Trung tâm có 4 thạc sĩ chuyên ngành CTXH (01 đại học CTXH và 3 viên chức đang học ĐH CTXH văn bằng 2). Các dịch vụ CTXH được cung cấp tại Trung tâm đã dần trở nên chuyên nghiệp, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trong những năm qua Trung tâm thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp cá nhân và công tác xã hội nhóm cho đối tượng. Các hoạt động kết nối để trợ giúp cho đối tượng được triển khai hiệu quả đã góp phần giải quyết được nhu cầu của các đối tượng, góp phần nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó từ năm 2017 đến nay Trung tâm đã phát hành hàng nghìn tờ rơi giới thiệu các dịch vụ CTXH tại Trung tâm đến cộng đồng; triển khai giới thiệu các dịch vụ CTXH qua trang tin baotroxahoiquangninh.vn; xuất bản Cẩm Nang chăm sóc Người cao tuổi; Chuyện Người cao tuổi; Sổ tay Kỹ năng kiểm huấn công tác xã hội tại Cơ sở trợ giúp xã hội…Các sản phẩm truyền thông về công tác xã hội tại Trung tâm đã góp phần giới thiệu các dịch vụ đến với người có nhu cầu, từ đó tuyên truyền có hiệu quả các hoạt động về công tác xã hội tại Trung tâm.

          Phát triển nghề CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội là cách thiết thực nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp; trợ giúp các đối tượng yếu thế… Phát triển tốt nghề CTXH sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Trong những năm tiếp theo, Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhân viên và đổi mới về công tác quản lý, hoàn thiện về cơ sở vật chất…để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ chuyên nghiệp, dịch vụ chuyên nghiệp để xây dựng Trung tâm trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội tốt nhất dành cho người cao tuổi, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trợ giúp Người cao tuổi trong cuộc sống hằng ngày

Là nhiệm vụ thường xuyên của các nhân viên CTXH tại Trung tâm

Một buổi công tác xã hội nhóm đặc thù tại Trung tâm

Đội ngũ nhân viên tại Trung tâm ngày càng chuyên nghiệp

góp phần cung cấp dịch vụ CTXH chuyên nghiệp

 

 

Người đưa tin: Phạm Thị Ngoan

Đăng ký nhận tin.