Yeah1 là thương vụ thành công nhất làng startup Việt Nam

Lượt xem: 32

Là công ty truyền thông đầu tiên của Việt Nam đặt chân lên sàn chứng khoán, Yeah1 có thương vụ thoái vốn thành công lớn nhất từ trước đến nay, khi Vinacapital thu về tới 127 triệu USD từ khoản đầu tư 3 triệu USD.

Với mong muốn giúp các startup có cái nhìn tổng quát hơn và phán đoán được tiềm năng của thị trường trong tương lai, Topica Founder Institute (TFI) đã công bố báo cáo thường niên về tình hình đầu tư vào startup Việt Nam năm 2018.

Theo Báo cáo này, tổng số vốn đầu tư vào startup Việt hiện đã lên đến 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm trước. Đồng thời, trong năm 2018 này, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư startup, tương đương năm 2017, và tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD).

Trong đó, điểm nhấn của năm 2018 là Việt Nam liên tục đón nhận các thương vụ đầu tư “khủng”, khi 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm 83% tổng giá trị thỏa thuận, gồm những giao dịch trên 30 triệu USD đầu tư vào Yeah1, Sendo và Topica cùng 7 thương vụ không được tiết lộ khác.

Đáng chú ý nhất là Yeah1 – công ty truyền thông đầu tiên của Việt Nam đặt chân lên sàn chứng khoán. Năm ngoái, startup công nghệ này có thương vụ thoái vốn thành công lớn nhất từ trước đến nay, khi Vinacapital thu về 127 triệu USD từ khoản đầu tư 3 triệu USD.

Trong khi đó, VNG đã trở thành startup “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, với mức định giá lên tới 1,2 – 1,5 tỷ USD.

Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư vào startup Việt Nam năm 2018 

Các thương vụ M&A trong giới startup năm qua cũng hết sức sôi nổi, như Grab mua lại Moca, Sea thâu tóm Foody và Giaohangtietkiem, PropertyGuru mua lại Batdongsan.com, Vntrip sáp nhập Atadi, Scroll đầu tư vào Cát Đông (hiện điều hành CungMua.com, NhomMua.com, Shipto.vn), Yeah1 đầu tư vào Netlink và nhiều thỏa thuận khác…

Cũng theo báo cáo của Topica Founder Institute, 6 lĩnh vực hiện đang được rót vốn nhiều nhất lần lượt là Fintech (117 triệu USD), Thương mại điện tử (104 triệu USD), TravelTech (64 triệu USD), Edtech (54 triệu USD), Logistics (54 triệu USD) và Bất động sản online (47 triệu USD).

Riêng với lĩnh vực gọi xe, startup thuần Việt như FastGo, Vato và mới đây là Be Group cũng huy động thành công những khoản đầu tư để cạnh tranh với các đối thủ ngoại quốc Grab và Go-Jek. Công ty Be Group của nhà sáng lập Trần Thanh Hải được dự đoán là đã kêu gọi được hàng trăm triệu USD.

Một tín hiệu đáng mừng khác là năm qua, giới khởi nghiệp chứng kiến sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như VietCapital Ventures, Startup Viet Partners, Teko Ventures. Như quỹ đầu tư của Tập đoàn Vingroup – Vingroup Ventures – công bố ngân sách đầu tư 300 triệu USD. VinaCapital Ventures nắm khoản vốn 100 triệu USD.

Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam có mặt từ trước đây – như ESP Capital, 500 Startups và VIISA – tiếp tục đẩy mạnh hoạt động với 32 thương vụ trong năm 2018, chiếm tới 60% khoản đầu tư pre-seed và đầu tư hạt giống.

Đăng ký nhận tin.