Sở Lao động TB&XH cử cán bộ tham gia Lớp bồi dưỡng kiến thức về Quản trị an ninh và Quản trị an ninh phi truyền thống năm 2024

Lượt xem: 10

              Thực hiện Quyết định số 1470-QĐ/TU ngày 24/5/2024 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc mở lớp Bồi dưỡng kiến thức về Quản trị an ninh và Quản trị an ninh phi truyền thống trong thời gian từ ngày 28/-31/5/2024 tại Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Quảng Ninh. Sở Lao động TB&XH cử 01 cán bộ tham gia lớp Bồi dưỡng.

              Khóa học gồm 6 chuyên đề khác nhau. Các chuyên đề đều mang tính thời sự, có tính thực tiễn cao, đang được Trung ương, Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Chuyên đề 1: Tổng quan về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống, thách thức, thời cơ và một số vấn đề mới cần chú ý với Quảng Ninh; Chuyên đề 2: Xử lý điểm nóng chính trị và điểm nóng xã hội, tranh chấp tố cáo, khiếu kiện tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự và phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Chuyên đề 3: Phát triển kinh tế và quản trị an ninh kinh tế, an ninh doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Chuyên đề 4: Quản trị an ninh tài nguyên, môi trường và du lịch, phòng ngừa, ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh (điển hình là dịch Covid-19) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Chuyên đề 5: Quản trị an ninh biển, an ninh biên giới và bảo vệ an ninh – quốc phòng trong xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh; Chuyên đề 6: Quản trị an ninh mạng và và quản trị an ninh mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

              Các giảng viên, báo cáo viên đều là những người có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy cũng như kinh nghiệm thực tế của Viện An ninh phi chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội đã truyền tải đầy đủ các nội dung kiến thức về quản trị an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống.

Quang cảnh khai giảng lớp bồi dưỡng

              Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu và nhiều khái niệm về an ninh phi truyền thống được đưa ra, nhưng vẫn chưa có sự thống nhất về nội hàm. Cho nên, các quốc gia thường dựa vào cách xác định, đánh giá của Liên hợp quốc làm quy chuẩn. Theo đó, an ninh phi truyền thống gồm 7 lĩnh vực chủ yếu là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, xã hội, chính trị và văn hóa. Bên cạnh đó, có một số quan điểm cho rằng, nó được biểu hiện trên 5 lĩnh vực cơ bản là: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa. Có quan điểm khác lại khẳng định nó gồm 6 nhóm chính là: ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu hụt tài nguyên, tội phạm xuyên quốc gia, nạn khủng bố, dịch bệnh và thảm họa thiên tai. Điều dễ nhận thấy, các quan điểm trên tuy không hoàn toàn thống nhất về phạm vi quy chuẩn (lĩnh vực), nhưng đều có điểm chung là, an ninh phi truyền thống không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp (có thể do con người gián tiếp gây ra) tác động xấu tới các lĩnh vực của đời sống xã hội và đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của con người ở một quốc gia, khu vực hoặc trên toàn thế giới. Các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống biểu hiện ở mức độ hủy hoại, tàn phá của nó đối với cuộc sống của con người, của cộng đồng, thậm chí còn làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến an ninh truyền thống. Những thảm họa thiên tai, như: động đất, sóng thần, bão lụt, dịch bệnh, hay sự cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên,… vẫn đang xảy ra với xu hướng ngày càng gia tăng và biến động rất khó lường đang là thách thức lớn đối với lĩnh vực khoa học, kỹ thuật cũng như khả năng của con người. Vấn đề về khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao hay khủng hoảng tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực là những lĩnh vực quan trọng đang đe dọa trực tiếp tới mọi quốc gia và thực sự là thách thức, sự kiểm nghiệm năng lực lãnh đạo, điều hành của các chính phủ và tổ chức quốc tế, đứng đầu là Liên hợp quốc. Như vậy, tác động của an ninh phi truyền thống là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo ra bất ổn, rối loạn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các quốc gia, khu vực và thế giới. Trong điều kiện hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng như hiện nay, các mối đe dọa về an ninh phi truyền thống sẽ tác động trên các lĩnh vực, với tốc độ lan truyền nhanh, hậu quả lớn và rất khó lường.

              Tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược về chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và xứng đáng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng và đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những thách thức, đe dọa an ninh phi truyền thống tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh như: Tội phạm xuyên quốc gia; khủng bố; an ninh kinh tế; an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao; an ninh môi trường; an ninh nguồn nước và biển đảo; dịch bệnh và các thảm họa do dịch bệnh; an ninh, an toàn trong các hoạt động kinh tế – chính trị – xã hội…

              Trong bối cảnh những vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống sẽ có diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường ở cả quy mô cấp tỉnh, cấp vùng, toàn quốc và toàn cầu; việc quản trị an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, tình thế phức tạp chưa có tiền lệ, tính bất định rất cao, đòi hỏi tốc độ xử lý, phản ứng nhanh, hành động quyết liệt, hiệu quả.

              Là địa bàn trọng điểm về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn nhận diện một số mâu thuẫn đã được phát hiện, nhận thức sâu sắc, từng bước giải quyết, nhưng công cuộc đổi mới, quá trình hội nhập càng đi vào chiều sâu thì thực tiễn Quảng Ninh lại xuất hiện những thách thức mới đòi hỏi năng lực tư duy cao hơn, nghệ thuật xử lý tốt hơn, không thể chủ quan, tự mãn. Đó là: Giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng xung đột với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế với bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ khu vực biên giới; giữa bảo đảm phát triển bền vững với hóa giải những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, của thách thức an ninh phi truyền thống; giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản; giữa tăng trưởng kinh tế nhanh với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội mà nhu cầu của người dân đòi hỏi chất lượng sống ngày càng cao hơn và tinh tế hơn.

              An ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống là vấn đề rất lớn, phòng ngừa, ứng phó với các thách thức, đe dọa của an ninh phi truyền thống đối với tỉnh Quảng Ninh đến từ nhiều hướng, tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Chính vì vậy việc quản trị an ninh truyền thống và phi truyền thống tại Quảng Ninh là vô cùng quan trọng. Chương trình Lớp bồi dưỡng là yêu cầu cấp thiết dành cho các đơn vị, cơ quan, ban ngành để giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, quản trị rủi ro và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nhằm phát triển bền vững đơn vị và cơ quan mình công tác.

              Sau khi tham gia lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, các học viên đã lĩnh hội được một số nội dung về các chuyên đề được các giảng viên, báo cáo viên truyền đạt về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống và làm bài thu hoạch báo cáo kết quả học tập. Mỗi học viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này và có cơ sở để tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị, địa phương. Kết thúc Lớp bồi dưỡng các học viên được trao giấy chứng nhận đã hoàn thành Lớp bồi dưỡng kiến thức Quản trị an ninh và Quản trị an ninh phi truyền thống.

Các học viên được nhận giấy chứng nhận tại chương trình bế giảng

Người đưa tin: Phạm Thị Ngoan

Đăng ký nhận tin.