Gần 40 doanh nghiệp Hàn Quốc đã được cung cấp thông tin đầu tư cũng như các dự án đầu tư về môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trình bày tại Diễn đàn môi trường các nước ASEAN 2018 vừa diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc), bà Vũ Kim Chi, Phó trưởng Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, công tác bảo vệ môi trường có nhiều lợi thế so sánh và đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo hướng dịch chuyển từ ‘nâu sang xanh”, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng dựa vào khai thác tài nguyên.
Danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh này đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Tại cuộc gặp kết nối bên lề chương trình tọa đàm, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã tiếp và làm việc với gần 40 doanh nghiệp Hàn Quốc để trao đổi cung cấp thông tin về các dự án đầu tư về môi trường trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng dành nhiều sự quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh – một thị trường được đánh giá là có nhiều sức hút.
Năm 2017, với số điểm 70,69, Quảng Ninh đã vượt qua Đà Nẵng để lần đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2017), trước đó liên tục trong 4 năm liền, Quảng Ninh đều trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng này.
Điều này cho thấy niềm tin, sự đánh giá ngày càng cao và sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như kết quả của sự cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh.
Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã tập trung cải cách hành chính qua việc vận hành mô hình Trung tâm Hành chính công cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua việc Quảng Ninh đứng đầu chỉ số thành phần Gia nhập thị trường trong bảng xếp hạng PCI 2017.
Bên cạnh đó, với việc xếp hạng cao trong các chỉ số như chỉ số thành phần chi phí thời gian, chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Ninh nhận được những đánh giá tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của Quảng Ninh ước đạt 10,2% thuộc nhóm tăng cao so với cả nước (6,7%), qui mô nền kinh tế ước đạt 122.576 tỷ đồng (tăng 10,8%), thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.528 USD/năm, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng tăng cao qua các năm; chỉ tính riêng năm 2017 đã có gần 2.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tăng 35%. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 16.000 doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng mạnh và chiếm ưu thế. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất hiện ngày càng nhiều dự án quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp uy tín; đặc biệt là sau khi Vân Đồn trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập với nhiều chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông, tập trung phát triển mũi nhọn du lịch và mở cửa đón nhà đầu tư.
Trong khi đó, có tổng vốn đầu tư 2,63 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với nhiều dự án công nghệ cao, thân thiện. Đây cũng là một trong những đối tác đầu tư lớn đối với Quảng Ninh, được tỉnh này chú trọng tiếp tục mời gọi và ưu tiên thu hút đầu tư.