Nhớ lời Bác dạy – nhớ ơn cội nguồn

Lượt xem: 5

         Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam không chỉ bó hẹp trong phạm vi mỗi gia đình hay dòng họ, mà vươn xa hơn là tín ngưỡng thờ cúng vị Thành hoàng của làng xã, thờ phụng, báo đáp công ơn, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước, các vị tổ nghề… và đặc biệt vị trí trang trọng nhất, thiêng liêng nhất dành cho Quốc tổ Hùng Vương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng tháng 9/1954.

Ảnh tư liệu, tác giả: Đinh Đăng Định

          “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba“. Từ buổi đầu dựng nước, câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào trong tâm thức cũng như trong đời sống thường nhật của bao thế hệ người dân đất Việt.

          Hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương ở vùng đất Cội nguồn – xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ không chỉ là cách để chúng ta nuôi dưỡng lòng biết ơn và thắp sáng lên ý thức về cội nguồn mà còn tạo động lực để không ngừng rèn đức, luyện tài phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ngày trước.

          Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy chúng ta bằng một câu nói vô cùng giản dị mà sâu sắc: “Các vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

          Sinh ra, lớn lên ở vùng đất Nghệ An giàu truyền thống văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà là một phong tục truyền thống, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, đóng một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.

          Ngay từ tác phẩm Đông Dương (viết trong khoảng những năm 1923-1924) Người đã chỉ ra những đặc điểm về bản tính của người Việt Nam được hình thành từ bao thế hệ, đó là: “Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa, ham thích khoa học, coi trọng lời nói thánh hiền, thương yêu nòi giống, tôn kính lẽ phải; ghét xa hoa, không hám tiền tài, khinh ghét vũ lực, không sợ gian khổ, hy sinh”.

          Đồng thời, trong những bài viết tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân đế quốc tại thuộc địa, Người cũng đề cập đến lĩnh vực tín ngưỡng: “Thờ phụng những người đã quá cố, một việc rất thiêng liêng và thiết tha của người An Nam, cũng bị cấm đoán”.

          Người dân Việt Nam trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà tổ tiên, với nguồn gốc của mình. Do đó, tín ngưỡng thờ cúng và biết ơn ông bà tổ tiên cũng là một trong những tiền đề quan trọng đốt cháy ngọn lửa tự hào dân tộc cần có trong mỗi người con đất Việt. Con người nếu không biết yêu quý, hiếu thảo với cha mẹ, anh em mình thì làm sao có tình thương yêu và sự cảm thông đối với nhân loại.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò. Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa”. Khi biết yêu quý và trân trọng gia đình, chúng ta sẽ biết yêu thương và trân quý sự bình yên đang diễn ra ở mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của ta, từ đó sẽ hun đúc ý chí bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước.

          Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam không chỉ bó hẹp trong phạm vi mỗi gia đình hay dòng họ, mà vươn xa hơn là tín ngưỡng thờ cúng vị Thành hoàng của làng xã, thờ phụng, báo đáp công ơn, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước, các vị tổ nghề… và đặc biệt vị trí trang trọng nhất, thiêng liêng nhất dành cho Quốc tổ Hùng Vương.

          Bất kỳ dân tộc nào trên thế giới đều có nguồn cội của mình nhưng người Việt Nam có sự khác biệt độc đáo ở chỗ, cùng thờ chung một ông Tổ – Vua Hùng. Đến với Đền Hùng – ngôi đền chung của cả dân tộc, mỗi người dân Việt Nam thêm hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”, được cùng sinh ra trong bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Từ đó mà có sức mạnh của ý chí cộng đồng, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

          Tìm về những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam, gắn liền với cuộc đời trọn vẹn vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suy ngẫm lại thấy Người rất trân trọng gìn giữ những truyền thống tốt đẹp đã đi sâu vào nếp sống dân tộc, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tôn vinh ân đức của các vị anh hùng dân tộc.

          Nhớ thời điểm sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới ra đời, trong rất nhiều công việc cần phải làm để bảo vệ và củng cố những thành quả cách mạng đã đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Người ký Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”, trong đó quy định việc bảo tồn cổ tích “là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.

          Sắc lệnh còn cấm phá hủy đình, chùa, đền đài, điện thờ, hoặc những nơi thờ cúng, các lâu đài, thành quách, và lăng mộ, cũng như các đồ vật, sắc chỉ, văn bằng, tư liệu, sách báo có giá trị cho lịch sử, dù có tính tín ngưỡng hoặc không.

          Sắc lệnh số 65/SL được ban hành trong thời điểm bộn bề những khó khăn, thách thức đang bủa vây nhà nước mới, càng thể hiện rõ tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Người thấu hiểu giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của các di sản văn hóa, đó là những báu vật kết tinh tư tưởng, tài năng sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc dân tộc.

          Với tinh thần đó, Sắc lệnh tiếp theo do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành là Sắc lệnh số 22/SL – CTN ngày 18/2/1946 quy định những ngày Lễ chính thức của đất nước, các công sở trong toàn quốc sẽ được đóng cửa, viên chức tại các công sở được nghỉ làm và có quyền được hưởng lương trong các ngày nghỉ lễ đó.

          Bà Katherine Muller Marin, từng là Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã nhận xét: “Trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta thấy Hồ Chí Minh bên cạnh tư cách là một nhà thơ, rất quan tâm đến việc bảo vệ và bảo tồn di sản. Sắc lệnh Số 65 được Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành tháng 11/1945 quy định rằng việc bảo tồn di tích lịch sử là một nhiệm vụ rất cần thiết để xây dựng nước Việt Nam. Một ví dụ khác của Hồ Chí Minh liên quan đến công tác bảo vệ và bảo tồn này là Sắc lệnh công nhận Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương, một sự kiện yêu nước nhằm mục đích ghi nhớ công lao to lớn của ông cha, đồng thời nhấn mạnh sức mạnh tinh thần của một dân tộc thống nhất”.

          Kế thừa truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Sắc lệnh số 22/SL công nhận Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ chính thức của đất nước và các cán bộ công chức nhà nước được nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo này của cả dân tộc.

          Từ đó đến nay, dù trong những năm tháng kháng chiến cứu nước cũng như sau khi hòa bình lập lại, vào ngày 10 tháng 3 hằng năm, chính quyền và nhân dân vùng đất Tổ đều kính cẩn làm lễ dâng hương, có đại diện của Nhà nước về dự.

          Năm 1946, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa… về dự. Và bản thân Người, lúc sinh thời dù bộn bề công việc lãnh đạo Đảng, lãnh đạo nhà nước, cũng đã 2 lần về thăm Đền Hùng.

          Lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đền Hùng chiều ngày 18/9/1954 sau khi đến thăm một đơn vị bộ đội đóng tại xã Chân Mộng, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, và Người đã nghỉ qua đêm tại đền Giếng. Ngày hôm sau, 19/9/1954, từ đền Giếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, rồi lại trở về đền Giếng. Tại đây, Người gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trên đường về tiếp quản Thủ đô.

          Cuộc gặp mặt giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh, người Cha thân yêu của quân đội nhân dân Việt Nam với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong không phải là sự tình cờ, mà là chủ đích của Người.

          Sau mấy năm kháng chiến ở rừng núi, cán bộ, chiến sĩ ta đã được rèn luyện, học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi, nhất là về thành thị có nhiều phức tạp, nhiều thứ quyến rũ, dễ mắc thói hư­ tật xấu. Cho nên, Bác nhắc nhở để cán bộ, chiến sĩ cảnh giác, luôn giữ vững phẩm chất cách mạng của người cán bộ: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Với câu nói này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên “dựng nước” và “giữ nước” được khẳng định thành một cặp phạm trù tất yếu của lịch sử và văn hóa Việt Nam: Muốn dựng nước phải lo giữ nước và ngược lại.

          Đồng thời, việc chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của vị lãnh tụ tối cao của Nhà nước đối với vai trò, tầm vóc, ý nghĩa của di tích đặc biệt này – một ngôi đền khiêm nhường mà chứa đựng những sức mạnh tinh thần cao quý của dân tộc.

          Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thì chuyến dừng chân tại Đền Hùng để báo công và nhận nhiệm vụ mới trước anh linh của tổ tiên chắc chắn sẽ khiến các cán bộ, chiến sĩ thêm quyết tâm, sức mạnh để “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng là quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng và danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

          Lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng, dâng hương tại Đền Thượng, viếng mộ Tổ vào ngày 19/8/1962, thời điểm đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh “chiến tranh đặc biệt” nhằm đè bẹp và tiêu diệt cách mạng miền Nam.

          Bác lên đến Đền Hạ vào khoảng giữa buổi sáng, trời nắng nóng, mà đường đi thì dốc, núi còn cao. Các đồng chí bảo vệ sợ Bác mệt, xin Bác nghỉ lại rồi mời Người xuống núi nhưng Bác nói: “Leo núi phải leo đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng. Đã đi phải tới đích”. Và Bác vẫn tiếp tục hành trình dâng hương Quốc Tổ. Qua Đền Trung, lên Đền Thượng khoảng hơn 11h, Bác cùng đoàn nghỉ trưa, ăn cơm nắm với dưa cà ở ngách cửa đông nam Đền Thượng.

          Trước khi ra về, Bác dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ thành công viên cho con cháu sau này đến tham quan”. Lời dạy của Bác có tính định hướng, phát triển, tôn tạo đền Hùng trong tương lai, đã trở thành kim chỉ nam cho tư duy, tình cảm và hành động của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc.

Qua những bài báo, những lời phát biểu, qua những di sản tinh thần Người để lại, chúng ta thấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm đặc biệt đến lịch sử nước nhà và việc giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

          Trong đó phải kể đến bài diễn ca “Lịch sử nước ta”, được xuất bản lần đầu vào tháng 2/1942. Ngay từ những câu đầu tiên của bài diễn ca, Người đã khẳng: Chỉ có thông qua lịch sử và chỉ có nhờ vào kiến thức hiểu biết về lịch sử mà mỗi người dân Việt Nam mới hiểu được gốc tích, cội nguồn của dân tộc mình, đất nước mình. Người viết: “Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam – Kể năm hơn bốn ngàn năm – Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà – Hồng Bàng là tổ nước ta”. Từ trong lịch sử dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh tìm được tư tưởng “dựa vào dân để có sức mạnh”: “Dân ta xin nhớ chữ đồng – Đồng tình đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Đây là một kết luận có tính nguyên tắc, một bài học lớn cho nhân dân ta đấu tranh giải phóng dân tộc./.

(tài liệu sưu tầm)

Người đưa tin: Nguyễn Thị Thu Hà

Đăng ký nhận tin.