Nhà dưỡng lão dành cho Người cao tuổi, nên hay không nên?

Lượt xem: 101

     Vấn đề chăm sóc và phụng dưỡng Người cao tuổi luôn là vấn đề được quan tâm và ngày càng trở nên bức thiết. Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay việc chăm sóc,  phụng dưỡng cũng như phát huy người cao tuổi cần được chú trọng, quan tâm hơn nữa.

     Hiện nay vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về việc đưa cha mẹ vào sống ở trong các nhà dưỡng lão, thậm chí có quan niệm cho rằng việc làm này là đi ngược lại với truyền thống và đẩy người cao tuổi vào trạng thái cô đơn, không lối thoát. Tuy nhiên những năm gần đây ngày càng có nhiều gia đình lựa chọn đưa cha mẹ vào các nhà dưỡng lão để được chăm sóc chuyên nghiệp hơn từ  chế độ dinh dưỡng đến đến công tác chăm sóc sức khỏe.

     Đối với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh, công tác tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng những người cao tuổi tự nguyện vào đóng góp kinh phí là một nhiệm vụ đã được thực hiện từ năm 2014. Ngay khi triển khai nhiệm vụ mới này Trung tâm cũng gặp nhiều rào cản đến từ quan niệm của xã hội và gia đình người cao tuổi về vấn đề đưa người cao tuổi vào Trung tâm. Tuy nhiên qua hơn 5 năm thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ xã hội cho đối tượng tự nguyện (trong đó có tiếp nhận người cao tuổi tự nguyện), đã có rất nhiều gia đình và chính bản thân người cao tuổi thay đổi quan niệm và sẵn sàng lựa chọn một cơ sở công lập như Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh để được chăm sóc chu đáo.

     Cụ Đinh Thị N (trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết: “ Tôi muốn gắn bó ở đây đến suốt đời, cuộc sống ở đây rất hợp với tôi. Thi thoảng các con vào thăm tôi là được, chúng nó còn có công việc của chúng nó. Tôi không muốn phiền đến các con.”

     Cụ Đặng Thị D (Thái Bình) chia sẻ: “ Ở đây nấu các món ăn rất hợp với tôi. Bữa ăn mà không có canh thì tôi không ăn được. Các cháu nhân viên phục vụ rất nhiệt tình, chu đáo.”

     Cụ Trần Thị M (Hạ Long) khẳng định: “ Các con cháu đều ở nước ngoài hết, chúng nó bảo đón bà sang đó ở nhưng tiếng thì không biết, sang đó nói chuyện với ai. Bà chỉ muốn được ở đây thôi.”

     Như vậy, chính người cao tuổi cũng đã thay đổi quan niệm, họ không muốn sống phụ thuộc nhiều vào con cái. Đặc biệt những người gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, người chăm sóc thì mô hình này chính là sự lựa chọn tốt nhất.

     Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện chăm sóc và trợ giúp cho gần 40 người cao tuổi sống tại Trung tâm theo hình thức nhà dưỡng lão. Là cơ sở công lập với hệ thống cơ sở vật chất được trang bị theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Lao động TB&XH ban hành, Trung tâm có đội ngũ cán bộ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội và kỹ năng trợ giúp người cao tuổi, có hệ thống trang thiết bị phục hồi chức năng, có môi trường thân thiện và khuôn viên sống  phù hợp với người cao tuổi. Bên cạnh đó Trung tâm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ toàn diện hướng đến sự chuyên nghiệp hơn để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

          Có thể thấy nhận thức của xã hội, đặc biệt là những người con, người cháu trong gia đình của người cao tuổi đã có nhiều thay đồi và nhu cầu đưa người cao tuổi vào nhà dưỡng lão đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên hệ thống nhà dưỡng lão tại Quảng Ninh và một số tỉnh, thành khác chưa được đầu tư phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Năm 2015, Bộ LĐTB&XH đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025, theo đó sẽ hình thành, phát triển 461 cơ sở trợ giúp xã hội trong đó có 31 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên cho đến nay việc triển khai  còn chậm, một trong những nguyên nhân là thiếu cơ chế khuyến khích xã hội hóa.

          Không phải dành thời gian chăm sóc người cao tuổi mới là có hiếu. Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại, viện dưỡng lão thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn. Người cao tuổi được quyền quyết định cuộc sống của mình vì vậy những người con, người cháu nên chăng tôn trọng quyết định của người cao tuổi thay vì cấm cản, can ngăn vì một lý do hết sức vô lý “sợ mang tiếng”? Người cao tuổi cũng mong muốn có một cuộc sống thoải mái bên những người bạn già, cùng chia sẻ, trò chuyện, không muốn là gánh nặng cho con cháu. Nhà dưỡng lão hiện nay có đầy đủ các dịch vụ trợ giúp cho người cao tuổi thay vì ở nhà cả ngày xem ti vi, chờ con cháu đi làm, đi học về trong bốn bức tường, không biết chia sẻ cùng ai thì đâu sẽ là sự lựa chọn hợp lý. Đó là mong muốn chính đáng cần được khuyến khích động viên để người cao tuổi được hưởng thụ những năm tháng cuối đời một cách bình yên và vui vẻ.

Vậy, nên hay không nên đưa người cao tuổi vào các viện dưỡng lão như Trung tâm Bảo trợ xã hội? Thiết nghĩ, câu trả lời là tùy vào mỗi chúng ta, những người có trách nhiệm chăm sóc và phụng dưỡng người cao tuổi hằng ngày.

          Một số hình ảnh của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh trong chăm sóc Người cao tuổi tự nguyện theo mô hình nhà dưỡng lão:

Khu nhà ở một tầng khép kín đầy đủ tiện nghi phù hợp với sinh hoạt người cao tuổi

Hướng dẫn người cao tuổi tập phục hồi chức năng với hệ thống trang thiết bị y tế ngoài trời

Khuôn viên tại Trung tâm là môi trường trong lành để người cao tuổi nghỉ ngơi

Tổ chức các hoạt động sinh hoạt tinh thần phù hợp với người cao tuổi

  

 

 

 

 

 

 

 

 

Đăng ký nhận tin.