Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Khu kinh tế Vân Đồn với mục tiêu đưa nơi đây trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ cao cấp, đồng thời là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế… Chính vì thế, trong những năm qua, Vân Đồn đã và đang nhận được sự ủng hộ của trung ương, các bộ, ban, ngành và sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược đến từ trong và ngoài nước mong muốn rót vốn xây dựng, phát triển tại mảnh đất này.
Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, nhưng nếu không có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo sự minh bạch, an toàn cho các nhà đầu tư sẽ khó thuyết phục dòng vốn vào Vân Đồn. Chính vì vậy, để thu hút được lượng lớn nguồn lực đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó đặc biệt chú trọng đến cơ chế chính sách cho Khu kinh tế Vân Đồn như: Ưu tiên huy động vốn ODA để đầu tư cho một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng; được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án cảng du lịch, bến du thuyền thuộc nhiệm vụ của ngân sách địa phương đầu tư… Bởi vậy, giai đoạn từ 2012-2017 tỉnh đã huy động và thu hút gần 58.000 tỷ đồng để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển.
Với hàng loạt dự án công trình trọng điểm như: Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng; cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long – Mông Dương; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… Trong đó, mức đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 30%, còn lại là vốn ngoài ngân sách. Đáng chú ý, hầu hết các dự án lớn đang triển khai tại Vân Đồn đều thuộc về các nhà đầu tư trong nước.
Có thể kể đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group xây dựng với tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng. Đây là công trình có tính bứt phá ngoạn mục về hạ tầng giao thông cho Vân Đồn. Khi chính thức khai thác thương mại vào tháng 12 năm nay, cảng hàng không có khả năng đón những loại máy bay chuyên chở hàng hóa và lượng hành khách lớn với khoảng 7.000 lượt khách mỗi ngày.
Bên cạnh đó, các tuyến cao tốc kết nối Vân Đồn với các địa phương khác cũng có mức đầu tư hàng nghìn tỷ như Dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn dài 53,6km, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng cũng dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 12/2018; Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 80,2km với tổng mức đầu tư 12.650 tỷ đồng cũng sẽ triển khai trong năm 2018.
Ngoài ra, nhiều dự án như: Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Đông Xá (Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông); Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu dân cư thị trấn Cái Rồng (Công ty CP Đầu tư và phát triển Vương Long); Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị Ocean Park (Công ty TNHH Quan Minh); Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch sinh thái Đài Sơn (Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đài Sơn) cũng đang được triển khai tại Vân Đồn.
Cùng với các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng trọng điểm, hiện có rất nhiều dự án du lịch được đầu tư vào Vân Đồn, sẵn sàng biến mảnh đất hoang sơ này trở thành thiên đường du lịch với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, xứng đáng với một khu kinh tế năng động, hiện đại. Điểm danh một số dự án khủng như: Tổ hợp du lịch Sonasea Dragonbay (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư dự kiến trên 4.950 tỷ đồng; dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas (quy mô khách sạn đẳng cấp 5 sao), tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng; dự án tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn, gồm 9 phân khu chức năng có số vốn đăng ký là 5.000 tỷ đồng; khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng, do Tập đoàn FLC đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng…
Không chỉ vậy, rất nhiều đoàn nhà đầu tư đến nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế Vân Đồn như Công ty Mirea Asset (Hàn Quốc), Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), Tập đoàn Năng lượng châu Á Thái Bình Dương (Singapore)…
Với những dòng vốn đang đầu tư vào Vân Đồn, hy vọng rằng nơi đây sẽ cất cánh, trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo và dịch vụ cao cấp, đồng thời là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế…