Một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là tiếp tục đẩy mạnh thường xuyên việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Học và làm theo Bác có nhiều nội dung, trong đó văn hóa ứng xử là vấn đề mà mỗi cán bộ, đảng viên cần tu dưỡng, thực hành, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa Hồ Chí Minh được thể hiện đậm nét, mang dấu ấn riêng, rất đặc thù và rất Hồ Chí Minh, đó là văn hóa ứng xử. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc, người đồng chí thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: Hồ Chí Minh là người vừa dân tộc, vừa quốc tế. Vừa rất mực nhân từ, vừa triệt để cách mạng. Rất uyên bác mà cực kỳ khiêm tốn. Rất nguyên tắc về chiến lược lại rất linh hoạt về sách lược. Vừa nhìn xa trông rộng, vừa thiết thực cụ thể. Vừa vĩ đại vừa vô cùng bình dị. Vừa là chiến sĩ, vừa là nhà thơ. Trong phong ba bão tố Người vẫn ung dung tự tại, lạc quan nhìn về tương lai. Trong khó khăn gian nguy, Người vẫn thanh thản chủ động, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng… Ở Người là sự thống nhất giữa nước với dân, giữa dân tộc với giai cấp, giữa quốc gia với quốc tế. Ở Người, lòng yêu nhân dân, yêu nhân loại không bao giờ thay đổi. Người là một hình mẫu cao đẹp của con người mới trong thời đại mới, một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết chúng ta học tập đạo đức cách mạng trong sáng, suốt đời phấn đấu vì nước, vì dân của Người. Nhận thức sâu sắc rằng: Đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân, không thể hoàn thành được nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến đạo đức, rèn luyện đạo đức mà còn trở thành một tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng. Trong hành trình lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hồ Chí Minh đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý trong các cấp chính quyền, các đơn vị.
Người đã thường xuyên cảnh báo những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, đó không chỉ là “tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành”, “tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền”, “xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”, đó còn là “không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”, và thường “mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật” . Không chỉ dừng ở cảnh báo, chỉ rõ biểu hiện, Hồ Chí Minh còn chỉ ra những biện pháp để ngăn ngừa những thói hư, tật xấu, ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân nảy nở, sinh sôi trong mỗi con người nói chung và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Đó là mỗi người đều phải “bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”, “đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”, “cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”. Không chỉ nêu ra các chuẩn mực đạo đức cách mạng cùng nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh còn là một mẫu mực của sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời. Vô luận trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi “ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo” thì với Người, lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân luôn được đặt lên trên hết, trước hết. Cả cuộc đời Người chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Biết bao câu chuyện thường ngày đã nói lên tình thương yêu con người, sự quan tâm cặn kẽ, tỉ mỉ của Người đối với đồng bào, đồng chí và chiến sĩ. Thương yêu con người là mục đích, là lý tưởng của Hồ Chí Minh và đó cũng là điểm nổi bật trong văn hóa ứng xử qua các hành vi, hành động cụ thể của Người. Đối với mỗi con người, lòng nhân ái là một phẩm chất không thể thiếu được; đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý, yếu tố này lại càng có ý nghĩa biết bao. Hồ Chí Minh luôn yêu thương và quý trọng nhân cách con người, vậy nên dù là ai, thuộc tầng lớp nào, dù ở bên Người dẫu chỉ một lần cũng cảm thấy giá trị của cuộc đời được nâng lên. Đối với Người, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Đây chính là điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo, ứng xử của Hồ Chí Minh, dù rằng việc đánh giá con người nói chung, đánh giá và sử dụng cán bộ nói riêng, là cả một khoa học và nghệ thuật mà không phải người lãnh đạo nào cũng làm tốt được.
Để cân nhắc, sử dụng đúng người, đúng việc, đúng chỗ, đúng lúc, theo Hồ Chí Minh phải có quan điểm và phương pháp đánh giá đúng. Người chỉ ra rằng phải có sự độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách “chí công vô tư”. Cán bộ là con người, vì vậy, khi đánh giá cán bộ, phải đặt trong mối quan hệ toàn diện, nhiều chiều, phát triển và không định kiến: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ’’. Đối với những vị trí chủ chốt lãnh đạo, quản lý những lĩnh vực chuyên môn, cần sở trường, nhất thiết người lãnh đạo phải nắm và hiểu được khả năng chuyên môn của cán bộ đó để không chỉ giao việc đúng người mà còn cần phải cổ vũ, động viên họ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tính nhân văn sâu sắc, vừa tin yêu, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng đối với cán bộ. Người nhấn mạnh, người lãnh đạo, quản lý cần phải tạo ra môi trường “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “có gan phụ trách, có gan làm việc”; khi giao công việc cho cán bộ thì “phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”, “phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xẩy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm”. Người lãnh đạo thương yêu cán bộ chính là ở thái độ thưởng phạt công minh, có thành tích thì khen, có khuyết điểm phải phạt, “luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, có gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ… cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý các cấp lãnh đạo, khi “cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhấc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”.
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ yêu thương, quý trọng con người, khoan dung độ lượng với con người bằng cái tâm chân thành và trong sáng, cho nên những người được gặp Người đều có ấn tượng và cảm giác gần gũi thân tình, “cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Sự ân cần niềm nở, đượm tình nghĩa của Hồ Chí Minh còn xuất phát từ những suy nghĩ đúng đắn về con người, không chỉ biểu hiện trong cách xưng hô mà cả trong việc chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của mọi người. Người tin tưởng ở tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của mọi người, nhưng không sao nhãng việc kiểm tra, đánh giá công việc của từng người, khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân cần cù, sáng tạo trong công việc. Ngay những lúc cán bộ cấp dưới hay những người phục vụ có sai sót, Người cũng không cáu gắt mà luôn nhẹ nhàng bảo ban có lý, có tình; khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình nghiêm khắc.
Có một con số ít được mọi người quan tâm, đó là trong 15 năm (1955- 1969), lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 923 lần đi thực tế cơ sở. Người đến các địa phương, các công trường, nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị bộ đội, công an, trường học và các cơ quan… Một con số biết nói gắn liền với hình ảnh một vị Chủ tịch nước tuy tuổi đã cao nhưng vẫn xắn quần lội ruộng, cùng tát nước, cùng cấy lúa, lẩy Kiều với nông dân; trao đổi về mùa vụ với ngư dân ngay tại bãi biển; kiểm tra tình hình sản xuất trong xưởng máy; động viên bộ đội tại thao trường; đến thăm học sinh, sinh viên tại giảng đường, thăm hỏi bệnh nhân trên giường bệnh; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người dân bình thường nhất, động viên kịp thời từng gương tốt, phê bình góp ý cho cán bộ, lãnh đạo ngay tại địa bàn…
Đồng chí Lê Văn Khang, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Ba Đình, Hà Nội kể, trong kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa IV (28-4-1968), sau khi bầu cử, Bác đề nghị đi thăm một số đường phố. Khi xe qua Hàng Ngang, Hàng Đào, thấy một số tiểu thương ngồi bán ở vỉa hè, Bác đã quan tâm căn dặn: Chính quyền phải cố gắng tổ chức chuyển những người buôn bán nhỏ sang sản xuất có ích cho xã hội. Trong hoàn cảnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu, cũng phải giữ cho đường phố văn minh, sạch đẹp. Rồi Người lại nói: làm cán bộ phải đi sát dân, phải biết tổ chức và vận động nhân dân xây dựng thành phố, Thủ đô của đất nước xã hội chủ nghĩa; làm việc cho tốt, đừng để phụ lòng tin của nhân dân đã bầu mình. Nghe những lời Bác căn dặn, đồng chí vô cùng thấm thía và cảm động. Bác đã cao tuổi phải lo nhiều việc lớn của đất nước mà còn không quên nhắc nhở cán bộ chú ý chăm lo đời sống cho dân, vì dân – từ những việc nhỏ. Một câu chuyện nhỏ nhưng hàm chứa một ý nghĩa tư tưởng, một bài học lớn, đó là thái độ “yêu dân, kính dân”, “gắn bó máu thịt với nhân dân” – một biểu hiện sinh động về tác phong lãnh đạo sâu sát, cụ thể và dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước, ở đỉnh cao quyền lực nhưng trong ứng xử, Hồ Chí Minh không bao giờ dựa vào quyền lực buộc mọi người phục tùng. Là một Chủ tịch nước, Người không muốn có đặc quyền nào. Và là một công dân, Người mong muốn được thực hiện quyền công dân của mình theo đúng quy định của pháp luật. Sau ngày hoà bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư và nhân dân đi lễ rất đông. Bác vừa vào chùa vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người, song mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố, xe Bác đến một ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại: “Các chú không được làm thế! Phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông, không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình”.
Xa lạ với quyền lực, Hồ Chí Minh coi việc mình làm Chủ tịch là do nhân dân ủy thác cho. Người tự cho mình là “người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, là “người đày tớ trung thành của đồng bào”. Đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng từng viết: Hồ Chí Minh là kiểu người lãnh đạo hiếm thấy. Ngay từ những ngày đầu tiên Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Người đã thẳng thắn nói: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân”. Người cũng đồng thời “luôn luôn từ chối nắm quyền lực”… Đặc biệt, Hồ Chí Minh thường “nêu ra vai trò tập thể Bộ Chính trị, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Chính phủ. Người dứt khoát bác bỏ tham vọng quyền lực, chỉ muốn sẻ bớt cho người khác, nhưng làm việc hết sức mình với tinh thần trách nhiệm gương mẫu”.
Phong cách làm việc tập thể và dân chủ là sự thể hiện nhất quán của tư tưởng đạo đức vì nước, vì dân của Hồ Chí Minh. Phong cách đó được thể hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ: chuẩn bị ra một nghị quyết hay dự thảo một văn kiện, viết một bài báo… Người đều đưa ra thảo luận trong tập thể Bộ Chính trị, tham khảo ý kiến những người xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định: mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật… Người đều huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước; yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều được cân nhắc kỹ, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung. Theo hồi ức của đồng chí Vũ Kỳ về việc Bác viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (để đăng nhân dịp thành lập Đảng 3-2-1969), thì bài báo lúc đầu có nhan đề là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ bản thảo, đồng chí phụ trách Ban Tuyên huấn xin sửa lại một ý, đề nghị Bác đổi lại trật tự để vế nâng cao đạo đức cách mạng lên trước với lý do là cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt và ưu điểm là căn bản. Bác hỏi thêm ý kiến của đồng chí văn phòng, đồng chí đó cũng đề nghị như vậy. Bác lắng nghe rồi nói: “Ý các chú cũng có lý, nhưng Bác thấy chưa hợp lý. Các chú giảng giải thêm cho Bác rõ điều này. Gia đình các chú tiết kiệm, mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Trước khi kê vào phòng, các chú quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu?”. Thấy mọi người còn suy nghĩ, chưa trả lời, Bác nói luôn: “Vì cả hai chú đã đề nghị, Bác đồng ý nhượng bộ đổi lại ở đề bài còn ở trong bài cứ giữ nguyên như ý của Bác là “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Bài báo cũng đã được đánh máy thành nhiều bản để cho các đồng chí trong Bộ Chính trị đọc góp thêm ý kiến. Việc làm nhỏ này thật có ý nghĩa sâu sắc: Bác không chỉ tranh thủ, tôn trọng ý kiến của tập thể Bộ Chính trị trước khi đưa bài viết ra công luận mà còn ngầm lưu ý với các đồng chí trong Bộ Chính trị phải thật sự chú ý đến vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng.
Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài có chung một nhận xét về cách ứng xử của con người Hồ Chí Minh, đó là “sự pha trộn của sức cảm hóa và sự lịch thiệp đã tạo ra thành một nhân vật đặc biệt, biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở chỗ nào”. Nhà báo Pháp Jean Lacouture, nhà báo nước ngoài đầu tiên viết một cuốn tiểu sử hoàn chỉnh về Hồ Chí Minh đã viết rằng: “Người ta nhấn mạnh đến khía cạnh chủ yếu của uy quyền, của “sức hấp dẫn” mà Cụ Hồ có được với đồng bào của mình: khía cạnh cảm hóa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục mọi người bằng đạo đức và phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương vừa có tính nguyên tắc, khoa học vừa mang chở giá trị nhân văn sâu sắc. Lịch sử dân tộc những năm 1945- 1946, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập đã ghi nhận: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sức hấp dẫn diệu kỳ và sức cảm hóa đặc biệt của mình đã không chỉ cuốn hút mà còn quy tụ được đông đảo các nhân sĩ, trí thức rất nổi tiếng và tài năng, thậm chí cả những người đã từng phục vụ trong chế độ cũ để tham gia sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Từ các nhà trí thức làm cách mạng Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… như một lẽ tất yếu; đến các trí thức yêu nước khác như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Hoàng Xuân Hãn… và các quan lại cao cấp trong triều đình Huế, trong chính phủ của Trần Trọng Kim như Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe… ai ai cũng đã được ánh hào quang từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh soi rọi, dẫn đường.
Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách ứng xử của Người trong mọi mặt đời sống và công tác chính là học tập lòng yêu thương con người, tinh thần khoan dung; sự trau dồi tri thức thường xuyên; tinh thần xử trí mọi việc kịp thời và linh hoạt đối với mọi người và đối với với mình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Đó cũng đồng thời là học tập phong cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn mẫu mực rèn luyện đạo đức cách mạng, luôn sâu sát thực tiễn; gần gũi với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân, để mình luôn là người vừa đồng hành vừa dẫn dắt họ hoàn thành nhiệm vụ được giao./.
(tài liệu sưu tầm)
Người đưa tin: Nguyễn Thị Thu Hà