Hiểu về đức tính trung thực
Trung thực có thể hiểu là thật thà, ngay thẳng, nói đi đôi với làm theo đúng sự thật. Người có đức tính trung thực là luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động, là người thành thực với tất cả mọi người và với cả chính mình. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.
Trung thực trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mang nội dung đạo đức cao quý của người cộng sản. Đó là những người đã tự nguyện hy sinh, cống hiến cả cuộc đời mình cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, biểu hiện cụ thể của trung thực là nói thì phải làm. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc thực hành đạo đức, là phương châm hoạt động, là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động trong một con người.
Với cán bộ, đảng viên, trung thực trước hết là với Đảng với cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, nói và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng, để luôn trung thành với Đảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện sự trung thực với chính mình, trung thực với người khác, trung thực trong thực thi nhiệm vụ và trung thực cả trong cuộc sống xã hội, ở mọi lúc, mọi nơi.
Vì đức tính trung thực có ý nghĩa lớn lao trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên, cho mỗi con người, là yếu tố quan trọng trong xây dựng con người mới cho xã hội mới, nên sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đức tính trung thực cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người được sống và làm việc gần Bác.
Chuyện kể rằng khi còn ở chiến khu Việt Bắc, thấy Bác làm việc căng thẳng quá, Văn phòng đề nghị Bác có những buổi chiều đi dạo thư giãn để Bác nghĩ việc lớn. Có khi Bác tập bóng chuyền, có khi Bác tập võ, có khi Bác đi câu cá.
Một lần, Bác đi câu cá ở bờ suối cùng một chiến sĩ trẻ đi theo cùng ngồi câu cá với Bác để bảo vệ Bác. Khi về, Bác bảo người chiến sĩ trẻ mang giỏ cá câu được vào nhà bếp để các cô cấp dưỡng làm cơm cho cả cơ quan Bác, cháu cùng ăn. Vào nhà bếp, thấy mấy em gái xinh xắn, cậu chiến sĩ ta bắt đầu tán, quên hết lời Bác dặn và hứng lên nói “Anh tặng các em giỏ cá anh câu, Bác đi chơi chứ Bác có câu được con nào đâu”.
Chuyện này có thể cho qua, vì là thanh niên, nhất là đứng trước mặt những em gái xinh xắn cũng là dễ hiểu. Nhưng nếu không sửa thì thành lỗi về đạo đức, tức là nói sai sự thật, là không trung thực, cho nên Bác sửa. Bác sửa rất khéo. Bác biết chuyện người chiến sỹ nói với các cô cấp dưỡng, mà Bác coi như không biết.
Hôm sau, hai bác cháu vẫn đi câu cá bình thường như không có chuyện gì xảy ra, nhưng câu được con nào, Bác lặng lẽ cấu đuôi con đó đi để đánh dấu. Sau đó, Bác bảo hôm nay Bác hơi mệt nên về sớm một chút. Tưởng Bác mệt thật, người chiến sỹ đưa Bác về. Đến một bãi cỏ xanh bằng phẳng, Bác bảo nghỉ một lát cho đỡ mệt và Bác nói: “Hai bác cháu mình thử chia cá xem ai được nhiều hơn, con nào của Bác, Bác đánh dấu rồi đấy, còn lại chắc là của chú câu phải không”. Bác rất thấu hiểu tâm lý, ở đời có tật giật mình nên Bác hỏi rất hóm hỉnh. Vừa nói, Bác vừa nhìn mặt người chiến sỹ trẻ đang đỏ mặt vì xấu hổ. Người chiến sỹ trẻ rất thấm thía, tự nhủ về sau chớ có dại mồm, dại miệng như thế nữa. Bác sửa lỗi như thế, không nhiều lời, không đao to búa lớn mà thấm thía vào tận gan ruột.
Hiểu về tinh thần, trách nhiệm
Trách nhiệm được hiểu là phần việc được giao cho, hoặc coi như được giao cho thì phải bảo đảm làm tròn. Nếu kết quả làm không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. Do vậy, mỗi người muốn làm tròn những phần việc được giao cho, hoặc coi như được giao cho thì phải luôn có tinh thần trách nhiệm.
Theo Hồ Chí Minh, trách nhiệm là việc phải làm không thể thoái thác. Trách nhiệm như là bổn phận của mỗi người, dù ở cương vị nào, to hay nhỏ, lớn hay bé, mỗi người đều có bổn phận. Ý thức trách nhiệm là tự ý thức được về các công việc phải làm, phải nhận rõ phải, trái, đúng sai và tự mình xác định được việc mình cần phải làm. Khi mỗi người có ý thức đúng đắn và tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình thì đó là người có tinh thần trách nhiệm cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mỗi người đều có trách nhiệm và nhấn mạnh trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, công chức. Theo Người, để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức thật sự là người có tinh thần trách nhiệm cao thì họ phải là người biết nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ được giao.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm trước hết là trách nhiệm với Tổ quốc. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, công chức luôn có trách nhiệm thiêng liêng, cao cả đối với Tổ quốc, với sự sống còn của quốc gia, dân tộc. Trách nhiệm ấy được thể hiện ở tinh thần đấu tranh quên mình cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Muốn thế, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải nỗ lực phấn đấu cho đất nước giàu mạnh, cho chủ nghĩa xã hội thành công.
Thứ hai, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức là trách nhiệm đối với Nhân dân. Vì theo Người, trách nhiệm đối với Nhân dân được bắt nguồn từ nguyên lý: “Nước lấy dân làm gốc”. Và do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Muốn thế, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải kính trọng Nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, phải sâu sát, gần gũi quần chúng Nhân dân, chăm lo giúp đỡ quần chúng Nhân dân về mọi mặt và phải thực hiện phương châm “trọng dân, sát dân, tin dân”, phấn đấu sao cho “dân phục, dân tin, dân yêu”. Đồng thời, Người cũng yêu cầu mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức phải tự nêu gương trước quần chúng trên mọi mặt, trong mọi phong trào. Sự gương mẫu nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có vai trò to lớn để biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực.
Thứ ba, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức là trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với quê hương. Vì mỗi cán bộ, đảng viên, công chức là một thành viên của một tổ chức, của xã hội và do đó, mỗi người giữ một vị trí xã hội nhất định, hoạt động trong một lĩnh vực nhất định và thực hiện một công việc nhất định. Cho nên mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải tự hiểu biết trách nhiệm với chính mình, tự xác định nghĩa vụ của mình với công việc được giao và khi đó thì tự thân mỗi người tự giác, tự mình cố gắng vươn lên để hoàn thành trách nhiệm đó của mình.
Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải chăm lo xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương, phải góp phần giáo dục cho các thế hệ trong gia đình, dòng họ về lòng yêu nước, về trách nhiệm xã hội, về ý chí vươn lên trong học tập và công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, mỗi đảng viên phải quan tâm giáo dục cho con cháu và các thành viên trong gia đình, dòng họ mình về đạo đức cách mạng, về lối sống lành mạnh mà nhất là tinh thần cần kiệm, liêm chính, lòng nhân ái, tính đoàn kết cộng đồng bên cạnh việc kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và quê hương.
Thứ tư, đó là trách nhiệm của đảng viên đối với Đảng. Đó là mỗi đảng viên phải kiên định với tôn chỉ, mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đảng viên phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, nghị quyết do Đảng đề ra; thực hiện tốt các nhiệm vụ của người đảng viên; chấp hành nghiêm Điều lệ, kỷ luật Đảng; tích cực tham gia xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh; luôn giữ vững tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên. Muốn thế, mỗi đảng viên phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của mình để góp phần đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, mỗi đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Người yêu cầu mọi đảng viên không chỉ nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình đối với Đảng, mà quan trọng hơn là những trách nhiệm ấy phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thường xuyên, liên tục.
Từ những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đức tính trung thực và tinh thần trách nhiệm nêu trên, chúng ta có thể thấy đức tính trung thực luôn đi liền với tinh thần trách nhiệm. Giữa đức tính trung thực và tinh thần trách nhiệm có mối quan hệ nhân quả với nhau. Mỗi người trong xã hội đều có những trách nhiệm, với những biểu hiện cụ thể nhất định. Người có cương vị càng lớn thì càng có trách nhiệm cao. Chỉ khi một người trung thực với chính mình, với người khác, trung thực với tổ chức và với Đảng thì họ mới tự nhận thức rõ được trách nhiệm của mình với chính mình, với người khác, với tổ chức, với xã hội và với Đảng.
Khi mỗi người đã trung thực với chính mình thì không bao giờ từ bỏ trách nhiệm của mình. Và khi họ đã xác định được trách nhiệm của mình thì họ sẽ biết cách phấn đấu để hoàn thành trách nhiệm đó một cách trung thực, và qua đó họ đã tự rèn luyện, nâng cao đức tính trung thực của mình. Đức tính trung thực và tinh thần trách nhiệm góp phần để khắc phục những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong xã hội ta hiện nay.
Bên cạnh đó, một vấn đề chúng ta cũng cần quan tâm là đức tính trung thực, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức không chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức, mà sâu xa hơn, đó là vấn đề trí tuệ, trình độ. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải có trình độ như thế nào, hiểu biết như thế nào mới tự xác định được đâu là chân lý, mới phân biệt được phải, trái, đúng, sai, mới thấm nhuần được mục tiêu, lý lưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, mới thấu hiểu được chính sách, pháp luật của nhà nước, qua đó để tự xác định trách nhiệm của mình, rồi mới dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, thì lúc đó mới làm được. Điều đó có nghĩa là họ phải có đạo đức cách mạng trong sáng, có nghị lực và niềm tin mới thực hiện được, mới toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là kết quả của cả trí tuệ, cả đạo đức và cả chính trị. Đó là văn hóa./.