Hoạt động tư vấn, tham vấn tâm lý cho người cao tuổi tại Trung tâm

Lượt xem: 8

           Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất cho người cao tuổi thì chăm sóc về tinh thần, tâm lý cho người cao tuổi cũng là một trong những vấn đề đáng lưu tâm. Bởi lẽ, khi về già con người thường đối mặt với nhiều thay đổi về tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được thấu hiểu và chăm sóc kịp thời. Tham vấn, tư vấn tâm lý cho người cao tuổi là hoạt động chăm sóc được Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh chú trọng trong quá trình chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi tại Trung tâm. Với các hoạt động cụ thể như trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đến việc tổ chức các hoạt động nhóm, đưa người cao tuổi tham gia vào các nhóm đặc thù; tổ chức xây dựng kế hoạch trợ giúp; kết nối dịch vụ… đã giúp cho người cao tuổi luôn được vui vẻ, thư giãn và lạc quan với cuộc sống tuổi già.

  1. Các vấn đề về tâm lý thường hay gặp của người cao tuổi tại cơ sở trợ giúp xã hội.

          Dễ bị tủi thân

          Càng lớn tuổi phản xạ trong giao tiếp và sinh hoạt sẽ càng chậm chạp. Người cao tuổi dễ cảm thấy tủi thân, mủi lòng khi những người xung quanh, nhất là nhân viên chăm sóc, trợ giúp hằng ngày đôi lúc, đôi khi lớn tiếng, không kiên nhẫn với mình. Tâm lý người cao tuổi làm họ dễ đối mặt với nỗi lo bị bỏ rơi, tự ái khi mọi việc liên quan không được hỏi han ý kiến từ họ. Người cao tuổi dễ cảm thấy mình trở thành người thừa trong tập thể khi ít nhận được sự quan tâm hơn từ người này, người kia. Người cao tuổi dễ bị tủi thân khi nhân viên chưa kịp hỏi thăm, chưa nắm bắt hết được mong muốn, nhu cầu, nguyện vọng của người cao tuổi.

          Hay nói nhiều hoặc dễ bị trầm cảm

          Người cao tuổi thường có hiện tượng “nói không chủ đích”, nói nhiều là do các rối loạn về tâm thần. Trong số các biểu hiện của chứng này, nhẹ thì bệnh nhân cảm thấy khó chịu, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, nặng hơn là suy nhược cơ thể, lo âu, ám ảnh bệnh tật. Có người còn xuất hiện trạng thái loạn thần, biểu hiện bằng các hoang tưởng, ảo giác và rối loạn ý thức. Người cao tuổi đặc biệt dễ bị trầm cảm chủ yếu với những nét sầu uất thể hiện qua sự nghi bệnh, giảm lòng tự tin, cảm giác vô giá trị và khuynh hướng tự buộc tội bản thân kèm theo nhiều ý nghĩ hoang tưởng khác.

          Tính tình dễ nóng nảy

          Sự thay đổi về mặt cơ thể khiến người cao tuổi dễ bất an, họ hay hờn giận, khó chịu. Một số biểu hiện như mắt kém đi, tai không còn nghe tốt như trước, răng đau, ăn uống kém ngon…

          Hay có sự đa nghi

          Thính lực người già giảm, dễ nghe sai, hiểu sai ý người khác lại hay thích suy đoán nên khó hòa nhập cùng với mọi người. Yếu tố tâm lý người cao tuổi càng khiến tính đa nghi tăng lên và trầm trọng hơn theo thời gian. Suy nghĩ nhiều là nguyên nhân của sự lo lắng và tính nóng nảy. Người già rất mẫn cảm với tất cả mọi thứ như một sự khủng hoảng tâm lý khiến sức khỏe suy giảm.

          Đôi khi sợ phải đối mặt với cái chết

          Đối với tuổi già đi nghĩa là cái chết đang đến gần. Sinh – tử là quy luật của tự nhiên không chừa một ai nhưng dù vậy người già vẫn sợ phải đối mặt với cái chết. Cũng có những cụ không chấp nhận, lảng tránh điều đó và sợ nghĩ đến cái chết

          Người cao tuổi gặp phải nhiều thay đổi tâm lý và hành vi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các dấu hiệu thay đổi tâm lý người cao tuổi thường biểu hiện như: có cảm giác bất an và lo lắng, cảm giác cô đơn và bị cô lập, hay khó chịu, bực bội, mất tự tin và thất vọng, mất ngủ, lo sợ bệnh tật, lo sợ phải đối mặt với cái chết…Những thay đổi trong tâm lý của người cao tuổi tại cơ sở trợ giúp xã hội cũng như nhiều người cao tuổi khác ngoài cộng đồng. Và để ổn định tâm lý cho người cao tuổi trước những thay đổi đó thì hoạt động tư vấn, tham vấn tâm lý kịp thời, chuyên sâu là rất cần thiết.

  1. Hoạt động tư vấn, tham vấn tâm lý cho người cao tuổi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh

        2.1. Tư vấn, tham vấn tâm lý cá nhân cho người cao tuổi

       Với hoạt động tư vấn, tham vấn tâm lý cá nhân cho người cao tuổi được Trung tâm triển khai có hiệu quả. Hàng ngày nhân viên công tác xã hội, nhân viên tâm lý có những buổi tham vấn cá nhân cùng người cao tuổi. Nhân viên trò chuyện, chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và cả những băn khoăn trong cuộc sống sinh hoạt của người cao tuổi. Những câu chuyện và tâm tư nhỏ nhất khi người cao tuổi mong muốn được chia sẻ thì nhân viên sẽ lắng nghe. Việc có người luôn sẵn sàng lắng nghe những câu chuyện từ các cụ khiến các cụ vô cùng thoải mái vì giờ đây ngoài việc trò chuyện với những người bạn già, các cụ còn có thể tâm sự với nhân viên để giúp các cụ có thêm niềm vui sống tại Trung tâm. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống sinh hoạt tại phòng ở, sinh hoạt tại các tổ nhóm, đáp ứng các chế độ chính sách về dinh dưỡng, về y tế, về phục hồi chức năng, việc tham gia các hoạt động sinh hoạt tinh thần hiện nay, mối quan hệ cùng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau tại Trung tâm, tình trạng sức khỏe,…được chia sẻ hằng ngày giúp nhân viên nắm bắt được tâm lý của người cao tuổi một cách kịp thời nhất. Với những trường hợp tâm lý không ổn định, bất an sẽ được tư vấn và can thiệp kịp thời nhất hoặc được kết nối để giải quyết.

       2.2. Tư vấn, tham vấn tâm lý cho người cao tuổi qua các nhóm đặc thù

       Trung tâm duy trì hoạt động tham vấn, tư vấn nhóm cho người cao tuổi qua các nhóm đặc thù được thành lập để người cao tuổi có những vấn đề tâm lý tương đồng được chia sẻ như: nhóm bệnh tuổi già, nhóm dưỡng sinh cho người cao tuổi, nhóm dinh dưỡng, nhóm thơ ca, nhóm các tổ lao động trị liệu, tổ hòa giải….Các nhóm được thành lập nhanh trên đặc điểm của người cao tuổi, thành viên các nhóm được chủ động tham gia, nhóm có mục đích và hoạt động cụ thể. Các thành viên tham gia và tự rút tham gia khi mục đích đã đạt được.

       Có thể thấy rằng thông qua các tổ nhóm hoạt động, nhân viên cũng nắm bắt được tâm lý của người cao tuổi và có thể trợ giúp tâm lý kịp thời khi người cao tuổi có những biểu hiện không bình thường về sức khỏe tinh thần. Các hoạt động tổ nhóm cũng giúp giải quyết được những vấn đề tâm lý gặp phải của người cao tuổi như sợ cô đơn, buồn, tủi thân, cảm thấy mình vô ích….

       2.3. Tư vấn, tham vấn tâm lý cho người cao tuổi qua kế hoạch trợ giúp

       Xây dựng và thực hiện kế hoạch trợ giúp theo quy định tại Thông tư 02/2020/TT-BLĐTBXH. Kế hoạch trợ giúp tổng thể và toàn diện đáp ứng được nhu cầu của đối tượng.

       Căn cứ vào điểm mạnh, yếu và vấn đề của người cao tuổi, nhân viên trợ giúp sẽ điều chỉnh kế hoạch trợ giúp người cao tuổi cho phù hợp thời gian từ 3-6 tháng. Thông qua kế hoạch trợ giúp việc giải quyết tâm lý cho người cao tuổi kịp thời, có chuyên sâu hơn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tham vấn, tư vấn ổn định tâm lý cho người cao tuổi. Kế hoạch trợ giúp góp phần lưu hồ sơ, nhận biết được những vấn đề của cá nhân người cao tuổi gặp để giải quyết hoặc chuyển giao giải quyết. Đây cũng là giải pháp để người cao tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm được cung cấp dịch vụ tốt nhất.

       2.4. Tư vấn, tham vấn tâm lý cho người cao tuổi qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ

       Hiện Trung tâm Bảo trợ xã hội có 02 câu lạc bộ được thành lập và duy trì hoạt động là Câu lạc bộ tình nguyện viên công tác xã hội và Câu lạc bộ Gia đình có người cao tuổi được chăm sóc. Các câu lạc bộ có ban chủ nhiệm, có mục đích hoạt động, kế hoạch hoạt động. Tập hợp các thành viên có chung mục đích để trợ giúp cho người cao tuổi, người khuyết tật đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm. Các câu lạc bộ có những buổi sinh hoạt nhóm với các chủ đề như trang bị kỹ năng sống, rèn luyện trí nhớ cho người cao tuổi, dinh dưỡng tuổi già, xây dựng mối quan hệ của người cao tuổi, giao tiếp ứng xử với người cao tuổi…. Các buổi sinh hoạt nhóm có thực hành, tương tác và giải quyết tình huống. Thông qua các buổi sinh hoạt nhóm của các câu lạc bộ những vấn đề tâm lý phức tạp, không ổn định của người cao tuổi được đề cập giải quyết. Gián tiếp nắm bắt, tư vấn, tham vấn tâm lý cho người cao tuổi qua hoạt động sắm vai giúp cho nhân viên nắm bắt tâm lý người cao tuổi tốt hơn, người cao tuổi có thể bộc bạch và tâm sự ngay trong tình huống giải quyết…. Việc tư vấn, tham vấn tâm lý qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ giúp tâm lý người cao tuổi ổn định và họ thấy mình luôn được chia sẻ, đồng cảm bất cứ khi nào và thời gian nào.

       Có thể thấy rằng hoạt động tham vấn, tư vấn tâm lý cho người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh vô cùng cần thiết đối với người cao tuổi. Để chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi tại các cơ sở trợ giúp xã hội thì điều đầu tiên là ổn định tâm lý cho họ. Không chỉ chăm sóc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày mà những hoạt động như trò chuyện, chia sẻ, được lắng nghe, thấu hiểu, được tương tác, tham gia các hoạt động tổ nhóm, các câu lạc bộ, thực hiện trợ giúp qua kế hoạch trợ giúp sẽ giúp cho người cao tuổi có được tinh thần thoải mái, giảm cảm giác cô đơn, mặc cảm tự tin, thúc đẩy được sức mạnh nội lực, nỗ lực để tham gia hoạt động và đóng góp tích cực vào hoạt động chung./.

Người đưa tin: Nguyễn Thị Thu Hà

Đăng ký nhận tin.
Vui lòng bật JavaScript trong trình duyệt của bạn để hoàn thành Form này.