Một buổi sáng đầu hè, cũng như bao ngày thường, Tôi lặng lẽ bước trên con đường quen thuộc, hít thở một hơi thật dài để tận hưởng không khí dễ chịu nơi đây. Mùi hoa Sử quân tử dịu nhẹ lan tỏa bao trùm khắp không gian yên tĩnh, ánh nắng ban mai chiếu rọi qua từng kẽ lá như một sợi dây vàng lấp lánh làm những chú chim rộn ràng chuyền cành, ríu rít kể chuyện cho nhau nghe. Một cảm giác bình yên và hạnh phúc đến kỳ lạ len lỏi trong Tôi. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá đã cũ màu thời gian dưới gốc cây rợp mát và chợt mỉm cười nhìn cảnh vật xung quanh, mọi ký ức trong Tôi ùa về như mới ngày hôm qua vậy. Cái duyên đã mang Tôi đến với nghề, một cái duyên như có sự sắp đặt từ trước, chính nơi đây,Tôi đã gắn bó mười sáu năm, kể từ ngày rời ghế Trường Đại học, nơi đã chắp cánh ước mơ cho Tôi trên con đường xây dựng tương lai của mình. Tôi trở thành một nhân viên công tác xã hội, một công việc bình dị nhưng lại có một ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.
Tôi lớn lên ở một vùng miền núi khó khăn, tuổi thơ Tôi cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, với những kỷ niệm nhọc nhằn, giúp bố mẹ đủ việc để mưu sinh, với chúng tôi lúc đó những cây kem được làm từ hột Thị, chiếc bánh Sắn mẹ làm hay những cái bỏng ngô là những món quà đáng ao ước. Tôi cảm nhận sự vất vả, lam lũ của bố mẹ hằng ngày cũng chỉ mong cho chúng tôi có một tương lai không thiếu thốn. Tận mắt chứng kiến công việc của Mẹ là giúp đỡ những người cao tuổi, người khuyết tật tại cơ quan Mẹ làm, vì vậy từ nhỏ trong mắt Tôi, Mẹ thật hiền dịu và có một trái tim biết yêu thương. Không chỉ lo cho gia đình bé nhỏ của mình, Mẹ cũng giúp bao người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, trong thâm tâm Tôi luôn mong muốn được làm những điều có ích như Mẹ. Tôi lớn lên với một mong ước bình dị như vậy từ những yêu thương và sự tận tâm của Mẹ trong việc giúp đỡ những người khó khăn.
Với những nỗ lực của bản thân, Tôi cũng hoàn thành chương trình Đại học của mình, ra trường và tự tin xin việc tại một Cơ sở trợ giúp xã hội của Tỉnh nhà. Trong quá trình công tác của mình, Tôi tiếp tục theo học và hoàn thiện bằng cấp, trở thành một nhân viên Công tác xã hội. Cuộc hành trình giúp đỡ những người kém may mắn trong xã hội của Tôi được bắt đầu từ đó…
Công tác xã hội trong trái tim Tôi là những việc nhỏ bé hằng ngày của một cô nhân viên công tác xã hội khi được ngồi lắng nghe những câu chuyện “ngày xưa”, chia sẻ những nỗi buồn trong cuộc sống của những người già neo đơn, được hướng dẫn những người khuyết tật tham gia hoạt động hòa nhập…Bức tranh về những con người yếu thế trong xã hội, những người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật tại Cơ sở trợ giúp xã hội nơi Tôi đang làm việc tràn ngập màu sắc cuộc sống, bình yên đến lạ kỳ, như chứng tỏ một sức sống mãnh liệt, sự kỳ diệu của công tác xã hội đã mang lại hạnh phúc cho những số phận kém may mắn. Bức tranh đầy màu sắc ấy được vẽ lên bởi những việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của những nhân viên làm trong Cơ sở trợ giúp xã hội nơi đây.
Công tác xã hội trong trái tim Tôi là sự xúc động đến lặng người khi ngày ngày chứng kiến hình ảnh “một gia đình nhỏ” từ những mảnh ghép không lành lặn tạo thành với đầy ắp tình yêu thương. Là một người phụ nữ bé nhỏ với chiều cao như một đứa trẻ nhưng bà Đào Thị Lành có tình thương yêu vô bờ bến, Bà tự nguyện giúp đỡ cho ông, trở thành đôi mắt sáng cho một cụ ông bị mù lòa, hằng ngày chính người phụ nữ đó cũng trở thành một người bà hiền từ, bảo ban, hướng dẫn các cháu khuyết tật trí tuệ từ những việc nhỏ bé như chăm sóc bản thân, gấp cái chăn, quét cái nhà trong căn phòng ấm cúng. Cuộc sống của bà Lành đã gắn bó với nơi đây hơn 20 năm, bà chia sẻ: “ Nhờ các cô chú nhân viên trong Trung tâm Bảo trợ xã hội mà Tôi được sống vui vẻ đầm ấm như ngày hôm nay, Tôi là một người không có gia đình, nhưng giờ đây Tôi đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Tôi cảm thấy đây chính là ngôi nhà thứ hai của mình và không bao giờ muốn rời xa…”.
Bà Đào Thị Lành là người cao tuổi khuyết tật bẩm sinh với niềm vui bên những “người thân”đặc biệt của mình
tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh
Công tác xã hội trong trái tim tôi là hình ảnh về hai người anh em ruột, cùng là người khuyết tật không có người chăm sóc ở tận miền đảo xa của tỉnh, được tiếp nhận vào Cơ sở trợ giúp xã hội với tâm thế lo lắng, không biết cuộc sống nơi đây sẽ ra sao. Nhưng khi làm quen với cuộc sống mới, họ lại tìm thấy niềm vui không ngờ. Người anh với đôi mắt mù lòa nay đã thấy ánh sáng trở lại với sự kết nối huy động nguồn lực từ những nhân viên công tác xã hội tại Cơ sở. Người em trở nên mạnh khỏe hơn, yêu đời hơn vì tìm thấy những người bạn đồng cảnh và chia sẻ niềm vui nỗi buồn hằng ngày…
Là hình ảnh một người ông đã trên 80 tuổi nhưng chưa hề biết đến hạnh phúc gia đình, bao năm vất vả ngược xuôi, trở thành người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa. Nhưng khi được trợ giúp tại đây, ông đã tìm được niềm vui cuộc sống ở cái tuổi xưa nay hiếm. Được sự trợ giúp của nhân viên công tác xã hội, Ông và Bà đã vượt qua bao rào cản về tâm lý mà đến với nhau, giúp nhau khi trái gió, trở trời, cùng nhau têm miếng trầu và ôn lại những câu chuyện của một thời tuổi trẻ đã nỗ lực, cống hiến cho xã hội…
Công tác xã hội trong trái tim Tôi là hình ảnh về một Người mẹ vĩ đại được bao người viết nên như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Người mẹ đó là bà Nguyễn Thị Bích Thảo, đã hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân, chăm sóc đứa con nuôi tật nguyền như đứa trẻ lên ba, ròng rã 51 năm trời mà không hề được nghe một tiếng thiêng liêng gọi Mẹ, không hề được nhận lấy một cái ôm, không một lời trò chuyện chia sẻ từ đứa con của mình.. Sau bao vất vả gian nan một mình bươn chải, chăm lo cho đứa con tật nguyền ngoài cộng đồng, hai mẹ con Bà đã được tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, coi đây là nơi bình yên để giúp cưu mang cuộc đời hai mẹ con bà, nhờ các nhân viên tại Cơ sở trợ giúp xã hội cùng chăm sóc cho đứa con tật nguyền đáng thương. Giờ đây, hạnh phúc đơn sơ của Bà là ngày ngày cùng các cô nhân viên chăm sóc cho con gái, được nói chuyện, tâm sự những vui buồn trong cuộc sống với các cô chú nhân viên và các ông bà đồng cảnh sống tại Trung tâm, được sự sẻ chia của cả cộng đồng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo yên tâm khi chọn Trung tâm Bảo trợ xã hội là chỗ dựa của hai mẹ con
Công tác xã hội trong trái tim Tôi là ngôi nhà an toàn và ấm cúng cho những người lang thang vô gia cư, những người mà chính họ không biết bản thân mình là ai, không một cái tên, không một người thân thích, không tài sản. Nhưng họ được sống đủ đầy trong các cơ sở bảo trợ xã hội, được chăm lo toàn diện về sức khỏe và tinh thần, có một công việc để làm, tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.
Công tác xã hội trong trái tim Tôi là hình ảnh về những người nhân viên công tác xã hội, nhân viên chăm sóc, nhân viên y tế… những con người bé nhỏ ấy, bình dị, hằng ngày tận tụy với công việc của mình, chăm sóc những người cao tuổi, người khuyết tật như người thân của mình. Đó là những đêm dài thức giấc để trông nom giấc ngủ cho những người cao tuổi, là cái nắm tay thật chặt khi nâng bước cho một người khuyết tật, giúp họ đứng lên, tập đi hằng ngày. Là những ngày tháng ăn cùng, ở cùng, tận tâm chăm sóc những đối tượng bị nhiễm Covid-19 mà không quản đến tính mạng bản thân. Là những câu chuyện không đầu không cuối với những người khuyết tật về thần kinh, tâm thần với một tình yêu thương vô điều kiện mà ngoài kia với xã hội họ không phải là người bình thường, không có một ai dành thời gian để tiếp chuyện…Không chỉ những nhân viên làm việc chuyên môn tại đây mà cả những người chăm sóc cây cảnh, những cô nhân viên phục vụ, bác bảo vệ… cũng luôn vui vẻ, tận tụy với công việc, có thái độ tôn trọng, đồng cảm và chia sẻ với những người yếu thế. Bằng công việc hằng ngày, chính họ luôn mong muốn được mang niềm vui, tiếng cười để xoa dịu những thiệt thòi mà những người yếu thế phải chịu. Dường như tất cả đều đang cố gắng xây những viên gạch nhỏ bé bằng việc làm thiết thực hằng ngày để tạo nên một ngôi nhà đầm ấm hạnh phúc cho những con người bất hạnh, có hoàn cảnh éo le nơi đây. Công việc bình thường đã vất vả, làm việc với những người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật càng có những vất vả riêng. Nhưng đổi lại những khó khăn vất vả ấy của những người nhân viên đang cần mẫn làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội là sự thay đổi hằng ngày của những người yếu thế, là thành quả đáng mừng khi đã giúp họ vượt qua mặc cảm, nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Đó là nụ cười móm mém của các cụ già, là sự đổi thay tích cực trong việc tự chăm sóc bản thân của người khuyết tật, là bước chân run rẩy đầu tiên của những người bị tai biến sau bao năm tháng không tự bước đi được, là ánh mắt sáng của người đã từng bị mù lòa, tưởng như mãi mãi không còn nhìn thấy màu sắc của cuộc sống. Là nghị lực phi thường vươn lên của những người bị bệnh trọng, là cuộc sống bình yên của những người vô gia cư, là tình thương yêu vô điều kiện của những số phận éo le dành cho nhau…
Nhân viên công tác xã hội của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh
thăm hỏi và trợ giúp người cao tuổi tại địa phương
Hình ảnh nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh vượt mọi khó khăn
cùng chăm lo cho những người cao tuổi trong dịch bệnh Covid-19
Những nhân viên tại Cơ sở trợ giúp xã hội luôn tận tâm trong công việc
giúp đỡ những người cao tuổi, người khuyết tật có thêm niềm vui trong cuộc sống
Với sự phát triển của xã hội hiện nay, nảy sinh nhiều nhóm đối tượng dễ tổn thương, yếu thế, rất cần những nhân viên công tác xã hội có trình độ chuyên môn, bản thân những người làm nghề phải có sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý, phải có kỹ năng ứng xử, hiểu biết xã hội và đặc biệt phải có chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo bài bản.
Về thực chất, người làm công tác xã hội đòi hỏi phải có rất nhiều kỹ năng bởi những đối tượng của lĩnh vực này rất phức tạp, dễ bị tổn thương, có hành vi khó kiểm soát… Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên công tác xã hội cần phải được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm bởi môi trường, giờ giấc làm việc, phong cách ăn mặc hay thậm chí là cách nói chuyện của mỗi đối tượng là khác nhau và cũng khá đặc biệt. Vì vậy nhân viên công tác xã hội cũng phải tìm cách “bắt nhịp” với đối tượng mà họ tiếp xúc. Bên cạnh đó họ gặp nhiều tổn thương trong cuộc sống vì thế cũng rất cần các nhân viên làm công tác xã hội có đạo đức nghề nghiệp, cảm thông, chia sẻ.
Trải qua bao năm tháng gắn bó với nghề, bằng sự trải nghiệm của mình, Công tác xã hội trong trái tim Tôi không chỉ thể hiện ở sự chuyên nghiệp trong cách thức trợ giúp của một nhân viên công tác xã hội với những người gặp vấn đề khó khăn tự mình vượt qua, vươn lên trong cuộc sống mà Công tác xã hội như một phép màu lạ kỳ, kết nối, hàn gắn những số phận không may mắn đến với nhau, giúp họ có thêm động lực, thêm tin yêu vào cuộc sống, tìm lại hạnh phúc cho riêng mình, vẽ lên một bức tranh đầy màu sắc tươi đẹp tràn ngập hoa và nắng như khung cảnh nơi đây, nơi hạnh phúc được bắt đầu từ những mảnh ghép không lành lặn. Và chính những nhân viên công tác xã hội đã kết nối những mảnh ghép đó thành những mảnh ghép yêu thương, mang lại hạnh phúc bình dị cho những số phận kém may mắn, giúp họ sống một cuộc sống thật sự ý nghĩa./.
Người đưa tin: Phạm Thị Ngoan