Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Có nhiều hình thức bạo lực giới như bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục. Bạo lực giới có thể xảy ra trong bất kỳ địa điểm nào như trong gia đình, tại nơi công cộng, trường học, nơi làm việc. Bạo lực giới có thể gây ra hậu quả nặng nề đối với nạn nhân, gia đình và cộng đồng như suy yếu sức khỏe, tổn thất về tài chính, kinh tế, xã hội, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của cá nhân và tăng nguy cơ gặp phải các loại hình bạo lực khác.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới, cần phải có các quy định cụ thể về dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới nói chung và đặc biệt là các tiêu chuẩn dịch vụ tại các nhà tạm lánh hỗ trợ người bị bạo lực giới. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ có các quy định về tiêu chuẩn chung cho các cơ sở trợ giúp xã hội.Vì vậy để trợ giúp có hiệu quả cho người bị bạo lực trên cơ sở giới việc xây dựng bộ tiêu chuẩn tối thiểu cho nhà tạm lánh cấp tỉnh và quy trình hỗ trợ nạn nhân là vô cùng cần thiết.
Từ ngày 25-26/7/2019, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã cử đại diện cán bộ viên chức tham gia Chương trình tập huấn thí điểm tài liệu “Hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ xã hội hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới”, “Tiêu chuẩn tối thiểu nhà tạm lánh hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới”; “Quy trình vận hành đường dây nóng hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới” tại Vĩnh Phúc. Bà Trần Thị Bích Loan, phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới tham dự khai mạc và đồng hành trong suốt hội thảo. Hội thảo còn được nghe chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cung cấp dịch vụ xã hội hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới do Bà Sujata Tuladhar- Chuyên gia, văn phòng khu vực Châu Á Thái Bình Dương, UNFPA trình bày. Tham dự hội thảo tập huấn còn có đại diện các Sở Lao động TB&XH, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ, Trung tâm trợ giúp pháp lý của 7 tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình…và một số cơ quan, tổ chức ở Trung Ương. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ninh có 4 đại biểu tham dự đến từ Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Phòng Bình đẳng giới.
Tại Hội thảo các đại biểu của tỉnh Quảng Ninh đã tham gia ý kiến về các nội dung được thảo luận. Đối với tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu cũng cho rằng mỗi tỉnh có đặc thù khác nhau vì vậy công tác xây dựng mô hình chuẩn cần có sự linh hoạt để phù hợp với từng địa phương.
Đại diện các đại biểu tham dự tập huấn
Kết thúc chương trình tập huấn các đại biểu có thêm những hiểu biết về các dịch vụ xã hội thiết yếu, các nguyên tắc cung cấp dịch vụ xã hội; hiểu và xây dựng được kế hoạch hỗ trợ, chuyển tuyến người bị bạo lực trên cơ sở giới tới các cơ sở trợ giúp, các dịch vụ xã hội thiết yếu góp phần đảm bảo tốt hơn công tác an sinh xã hội./.