Tấm lòng người tí hon

                Con người sinh ra và lớn lên không phải ai cũng may mắn có được một hình hài khoẻ mạnh và lành lặn. Thế nhưng, cách đối mặt với hoàn cảnh của những người khiếm khuyết ấy lại khiến bao người phải cảm phục. Với tình yêu và nghị lực to lớn của mình đối với cuộc sống, những con người dù khiếm khuyết về hình hài lại khiến mọi người phải nể phục bởi những gì mình làm được. Bà Lành cũng vậy, dù sinh ra không được may mắn, không có có một cơ thể lành lặn như bao người khác nhưng những điều Bà đã và đang làm khiến cho Tôi, các cụ người cao tuổi, các cán bộ nhân viên trong Trung tâm Bảo trợ xã hội và nhiều người khác phải tự hỏi rằng:“ Sức mạnh nào đã khiến Người phụ nữ khuyết tật nhỏ bé ấy có tấm lòng bao la đến như vậy?”.

                Bà Đào Thị Lành sinh năm 1945, là Hội viên Chi hội Người cao tuổi Trung tâm Bảo trợ xã hội, thuộc Hội Người cao tuổi phường Nam Khê, thành phố Uông Bí. Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng tinh thần của Bà vẫn rất lạc quan và yêu đời. Hơn 70 năm không thể “lớn”, chiều cao của Bà mãi dừng lại ở năm 7 tuổi, Bà được mọi người xung quanh gọi với cái tên thân thương là “Người tí hon”. Bà là người sống rất tình cảm, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh và không bao giờ ỷ lại vào người khác chỉ vì mình là người khuyết tật. Năm 2003, Bà được nhận vào chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh bởi bản thân là người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà hoà nhập với mọi người rất nhanh, nhìn thấy những mảnh đời cũng bất hạnh như mình, Bà rất thương và đồng cảm. Ngày Bà vào Trung tâm, như một định mệnh, Bà gặp một cụ ông cũng có hoàn cảnh éo le như mình, với tấm lòng nhân ái luôn mong muốn giúp đỡ mọi người, Bà đã xin được hỗ trợ, chăm sóc cho cụ ông bị khiếm thị để làm đôi mắt sáng cho ông. Khi tâm sự với Tôi, Bà kể lại “ Bà được nhận vào cùng ngày với ông, ông vào buổi sáng còn Bà vào buổi chiều, khi đó nhìn thấy ông lò dò từng bước đi vì đôi mắt không thể nhìn thấy ánh sáng, Bà thấy thương lắm! Bà nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Vậy nên Bà lên xin với Lãnh đạo Trung tâm cho phép Bà ở cùng phòng với ông để tiện giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Từ đó Bà ở cùng với ông cho đến bây giờ, cũng có nhiều tình cảm gắn bó lắm!”. Hằng ngày, Bà kiên nhẫn dẫn ông đi từng bước, chỉ bảo phương hướng hay nhắc nhở ông có vật cản đường để ông không bị ngã. Bà như là đôi mắt thứ hai mà cuộc sống mang lại cho ông vậy!

 

Bà Lành giúp ông Phấn trong sinh hoạt cá nhân hàng ngày

                Năm 2018, Trung tâm tiếp nhận một cháu thiểu năng trí tuệ, cháu tên là Lan Anh. Nhìn thấy cháu đang ở lứa tuổi tươi xanh nhất cuộc đời nhưng lại khờ khạo, thậm chí không thể giao tiếp được bình thường, Bà chợt thấy thương cảm và mong muốn được giúp đỡ cho cháu. Bà đề nghị Trung tâm sắp xếp cho Lan Anh ở cùng phòng với Bà để Bà chăm sóc và chỉ bảo cháu. Ban đầu, Lan Anh còn e dè và sợ sệt, nhưng với tấm lòng yêu thương và sự tận tâm, tận tình của Bà, cháu cũng quen dần với nhịp sống nơi đây, đi đâu cũng bám lấy Bà không rời. Mặc dù không hiểu nhiều chuyện, những việc vệ sinh cá nhân cũng phải giám sát và chỉ bảo từng chút một như vậy, nhưng qua bàn tay chăm sóc của Bà, Lan Anh ngày càng trở nên nhanh nhẹn hơn.

                Đến năm 2022, Trung tâm tiếp nhận một cháu người khuyết tật từ Cơ sở Bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cháu tên Thu Hà, vào Trung tâm khi vừa tròn 18 tuổi, không chỉ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cháu còn bị khuyết tật về trí tuệ, không có khả năng giao tiếp và tự chăm sóc bản thân. Biết được hoàn cảnh đáng thương của cháu, Bà lại sẵn sàng nhận việc bảo ban, hướng dẫn cháu. Hằng ngày, Bà chỉ bảo giờ giấc ăn ngủ, vệ sinh cá nhân cho cháu, vì thể trạng miễn dịch kém cháu hay ốm đau, bà đều tận tình theo dõi và báo với nhân viên y tế sớm để cháu được uống thuốc kịp thời.

                Bà là người sống lạc quan, không vì mình là người khuyết tật mà tỏ ra khổ sở hay bất hạnh, thay vào đó Bà còn rất yêu đời, những nụ cười luôn hiện diện trên khuôn mặt đã in dấu vết năm tháng của Bà. Bà tâm sự với tôi rằng “ Tuy Bà là người khuyết tật, nhưng khi được vào đây rồi bà mới thấy rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Chân tay bà dù có di chuyển vận động không được linh hoạt như mọi người nhưng bà vẫn may mắn vì mắt Bà còn sáng, đầu óc còn minh mẫn và tự phục vụ bản thân được. Cuộc sống này còn nhiều mảnh đời bất hạnh hơn mình nên có thể giúp ai được thì Bà sẽ giúp đỡ hết khả năng của mình”.

Bà Lành hướng dẫn hai cháu làm cỏ, chăm sóc cây tại khuôn viên Trung tâm Bảo trợ xã hội

                Không chỉ là người có tấm lòng nhân ái, Bà Lành còn là người chịu thương chịu khó, yêu thích lao động và có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường tại Trung tâm. Hằng ngày, Bà tham gia lao động và hướng dẫn hai cháu cùng tổ lao động của bà nhổ cỏ, quét lá, tưới cây và vệ sinh khu nhà ở. Do cơ thể nhỏ bé, những cây chổi được Trung tâm phát cho làm vệ sinh  không thể dùng được, Bà thể hiện sự sáng tạo và linh hoạt tự thiết kế làm chổi để cho mình dùng. Cây chổi nhỏ nhắn dù không dùng được lâu nhưng chứa đựng sự tâm huyết và tận tuỵ của Bà đối với trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung. Không chỉ vậy, Bà còn là đôi mắt sáng của các ông, bà bị khuyết tật mắt, chỉ đường cho mọi người trong tổ lao động trị liệu, Bà không quản ngại mà hướng dẫn tận tình cho các cháu người khuyết tật, cùng nhau dọn dẹp khu vườn nhỏ của Trung tâm khiến không khí lao động vào các sáng đều nhộn nhịp, khẩn trương. Hằng năm, vào dịp cuối năm, Bà được Chi hội Người cao tuổi Trung tâm Bảo trợ, Hội Người cao tuổi Phường Nam Khê khen thưởng vì đã có đóng góp tích cực trong các hoạt động của Người cao tuổi.

Bà Lành vui vẻ khi giúp đỡ được những người có hoàn cảnh éo le

 và luôn cảm thấy hạnh phúc trong ngôi nhà chung nơi bà nương tựa

                 Bình minh lên thật vội, những tia nắng chiếu qua những tán lá như báo hiệu một mùa hè đang đến, Bà Lành đội chiếc nón như che đi hết cả thân hình nhỏ bé, cặm cụi nhặt những cây cỏ dại, vừa nhặt vừa dạy các cháu cách làm, tất cả thật vội vã như sợ trời nắng to đến các cháu của Bà sẽ mệt. Nhìn hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé, ngày ngày chăm chỉ, cần mẫn làm việc, trong Tôi bỗng dâng lên một cảm xúc nao nao khó để diễn tả. Tôi cảm thấy khâm phục trước nghị lực sống, tình “thương người như thể thương thân” của Bà. Bà là một tấm gương điển hình cho truyền thống “tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Chính tình thương bao la ấy đã khiến cho cuộc sống này trở nên thật ý nghĩa và nhiều màu sắc hơn. Bà cũng là người truyền cho Tôi nguồn động lực giúp Tôi có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống. Bà giúp Tôi hiểu rằng, cuộc sống ai cũng sẽ có lúc gặp khó khăn nhưng hãy nhìn lại đằng sau còn rất nhiều người đang khó khăn hơn mình, họ cũng ngày ngày cố gắng để khắc phục và vượt qua nó, vậy thì tại sao bản thân Tôi không thể làm được? Và Tôi cũng cảm ơn Bà đã cho tôi những bài học quý báu về nghị lực sống, về tình yêu thương con người và tinh thần lạc quan. Tôi thầm chúc Bà có thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục yêu thương, chăm sóc những người đồng cảnh tại ngôi nhà chung ấm áp Trung tâm Bảo trợ xã hội, ngôi nhà thứ 2 của những người cao tuổi, người khuyết tật. Tôi cũng mong muốn rằng, câu chuyện nhỏ về Bà sẽ được mọi người biết đến, được cảm nhận và chia sẻ, giúp lan toả những giá trị đẹp đẽ trong cuộc sống và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Người đưa tin: Trịnh Thị Tâm

Đăng ký nhận tin.
Vui lòng bật JavaScript trong trình duyệt của bạn để hoàn thành Form này.