“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Từ thực tiễn lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã khẳng định đoàn kết là một trong các truyền thống quí báu của dân tộc ta đã được hun đúc trên nền tảng lòng yêu nước nồng nàn của các thế hệ người Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết là một hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng nhằm đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội, phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc của quốc tế, đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Trong nhiều năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong tiến trình lãnh đạo cách mạng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết là sự kế thừa truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc Việt Nam
Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh là chiến lược nhất quán và xuyên suốt để tập hợp lực lượng cách mạng và là nhân tố quyết định sự thành công. Truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc chính là cơ sở quan trọng hình thành tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh.
Tình nghĩa tương thân “máu chảy, ruột mềm”, “môi hở, răng lạnh”, “tay đứt, ruột xót”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” đã thấm sâu vào tâm can của Hồ Chí Minh. Người đã từng khẳng định: “Miền Nam là thịt của thịt chúng tôi; máu của máu chúng tôi”, “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. “Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em… Không ai có thể chia rẽ con một nhà… không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”. Ý chí kiên định của Người thổi bùng lên sức mạnh và tinh thần bất khuất của Nhân dân ta trước âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” – quyển sách được xem là cẩm nang của người làm cách mạng, từ đầu cho đến cuối tác phẩm, Hồ Chí Minh luôn khẳng định đoàn kết là nhân tố quan trọng. Người viết: “Tục ngữ An Nam có những câu: “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao”… Nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc. Thí dụ mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau”.
Xác định “Tư cách người cách mệnh” có 23 tiêu chuẩn, trong đó Hồ Chí Minh đã khẳng định tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu trong mối quan hệ đối với người là: “Với người thì khoan thứ”. Thật sâu sắc, Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống đạo đức nhân ái, khoan dung của dân tộc Việt Nam “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người trở lại” để xây dựng và mở rộng khối đoàn kết.
Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc
Trong hơn 3.000 tài liệu của Hồ Chí Minh để lại đã được phát hành trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, chúng ta có thể tìm thấy một số lượng khá lớn hơn 400 tài liệu là các bài thơ, bài báo, bài phát biểu, tác phẩm… trong đó Hồ Chí Minh đề cập đến tầm vóc của vấn đề đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi”, “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Do đó, phải luôn luôn giữ gìn khối đại đoàn kết – chiếc chìa khóa vạn năng đã giúp cho Đảng ta trong hơn đưa đất nước vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở đến bến bờ thắng lợi.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người chỉ rõ sự cần thiết phải đoàn kết, đồng tâm hiệp lực: “làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại, nếu không hết sức thì làm sao được”… “Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi”. “Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó. Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được, thế thì không khó”.
Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của vấn đề đoàn kết trong thực tiễn phong trào yêu nước của nhân dân đầu thế kỷ 20: “Vì dân đoàn kết chưa sâu. Cho nên thất bại trước sau mấy lần” cho nên khi tìm thấy con đường cách mạng vô sản là con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã xác định: “trở về nước đi vào dân chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”
Người kêu gọi nhân dân:
“Hỡi ai con cháu Rồng Tiên
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau
…Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”
Đoàn kết là vấn đề sống còn cho nên trước lúc đi xa, trong Di chúc Người cẩn thận nhắn nhủ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đảng Cộng sản là người tổ chức, hướng dẫn, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân, do vậy, Đảng phải là một đảng trí tuệ, cách mạng, thống nhất, phải luôn giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng. Trong Đảng, từ Trung ương đến cơ sở nếu không đoàn kết nhất trí trên dưới một lòng thì ví như một đoàn người đang đi mà không còn khả năng nhìn rõ vạn vật, đến một lúc nào đó việc vấp ngã bởi chướng ngại vật trên hành trình là một tất nhiên và thậm chí sẽ lạc lối, mất phương hướng vì rơi vào tăm tối.
Thực hành đoàn kết một cách đúng đắn theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, nhưng cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì vậy, đoàn kết phải là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Phải thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và đoàn kết quốc tế. Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần.
Khối đại đoàn kết toàn dân phải được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy liên minh công – nông – trí làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nguyên tắc này xuất phát từ nhận thức khoa học: đại đoàn kết không phải là tập hợp các lực lượng xã hội một cách ngẫu nhiên mà phải là một tập hợp bền vững của các lực lượng có tổ chức, có định hướng, có lãnh đạo.
Đại đoàn kết phải dựa trên nguyên tắc tin dân, dựa vào dân: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Nguyên tắc quan trọng này bắt nguồn từ sự kế thừa truyền thống của ông cha: “Nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”; là sự quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mac-Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết là một khoa học và nghệ thuật. Muốn có đại đoàn kết, cần phải tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng một cách khéo léo để mọi người tự giác đoàn kết, từ đó tự nguyện tham gia. Muốn giáo dục, thuyết phục quần chúng thì phải có đường lối, chủ trương đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân – đây là điều quan trọng hàng đầu. Do đó, phải quan sát, nghiên cứu và nắm bắt thực tiễn một cách chính xác; phương pháp, hình thức tuyên truyền phải thích hợp với tâm lý, trình độ của từng đối tượng; người thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng phải là tấm gương mẫu mực đoàn kết từ lời nói đến hành động, mục đích thật sự vì lợi ích của nhân dân.
Thực hành phương pháp đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là ứng xử một cách đúng đắn với từng loại lực lượng sao cho có thể mở rộng đến mức cao nhất trận tuyến cách mạng và thu hẹp đến mức thấp nhất trận tuyến của đối phương: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân… Đó là nền gốc của đại đoàn kết… Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ… Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh để xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng là khai thác, phát huy sự thống nhất, tương đồng trong mục tiêu, lý tưởng. Người kêu gọi: “Giang sơn và chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn non nước ta, để ủng hộ chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Kế thừa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc của ông cha trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước – một di sản tinh thần cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “Đoàn kết là vấn đề sống còn”, “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.
Bảo vệ Tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.
Người tổng hợp tin: Nguyễn Thị Thu Hà