Những ngày bộn bề giáp Tết Bính Tuất cách đây 78 năm (1946). Một số nhà báo nước ngoài hỏi Hồ Chí Minh về chức Chủ tịch Chính phủ, Người đã trả lời: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý một chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác cho thì tôi phải gắng sức làm, cũng giống như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra mặt trận, bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi”.
Cái Tết năm 1946 ấy, toàn dân Việt Nam đang vùng lên chống ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thứ giặc nào cũng ghê gớm cả. Bụng đã đói còn làm ăn được gì! Có thực mới vực được đạo – tiền nhân đã dạy thế! Phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Thế nên, Chính phủ còn non trẻ mới đề ra khẩu hiệu: “Tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa!”. Nền tài chính nước nhà còn dựa vào sự đóng góp tiền và vàng của dân, trong đó có những gia đình tư sản dân tộc giàu có, mà điển hình là tấm lòng vàng của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ.
Hồ Chí Minh phải vận động đến cả tấm lòng những người đang có cái ăn để cứu giúp những người đang bị đói. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Hồ Chí Minh kêu gọi cứ mười ngày nhịn ăn một bữa để dành gạo cứu đói. Và Hồ Chí Minh đã hành đạo làm gương, cứ mấy ngày lại nhịn ăn một bữa cùng cả dân tộc giúp những người đang đói lòng, xót bữa!
Lại nói về cái ham muốn của Hồ Chí Minh, mà Người đau đáu trong lòng, cho đó là ham muốn tột bậc, nghe ra nó đơn sơ nhưng đầy tính nhân văn cao cả. Đó là ham muốn cho mọi người có cơm ăn áo mặc, được học hành, tức là cái bụng được no, cái đầu được sáng. Đơn giản vậy thôi, nhưng đó chính là sự phấn đấu của các thế hệ người cộng sản Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã truyền lửa hành động từ những tháng năm đầu tiên của Nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cán bộ hãy tự soi mình
Con người Việt Nam sau 78 năm kể từ thông điệp của Hồ Chí Minh đầu năm 1946 đang trăn trở nhiều điều, khi đâu đó và ở ai đó đang bị lún sâu vào tranh đoạt danh lợi. Con người ta, ai cũng vậy, phải sống chung với rất nhiều cám dỗ, trong đó có danh lợi. Người càng có chức quyền cao trong xã hội thì sự cám dỗ càng nhiều, càng mạnh, chúng bủa vây hàng ngày hàng giờ. Phải làm chủ bản thân mình, biết vượt qua chính mình thì mới đạt được cái đức như Hồ Chí Minh “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý một chút nào” và “không dính líu gì tới vòng danh lợi”. Những cám dỗ đó như ma túy, cần cảnh giác và cần sự tu dưỡng rèn luyện bản thân. Vật chất, của cải, tiền bạc…tự nó không có lỗi. Lỗi là ở người sử dụng nó. Không ít kẻ sẵn sàng làm nô lệ cho danh lợi mà bị sa xuống hố của tội lỗi. Không được làm nô lệ cho nó. Không sa vào lợi ích nhóm, tham nhũng, cả tham nhũng tiền bạc vật chất và cả tham nhũng quyền lực. Hồ Chí Minh đã ghi lên đầu sách Đường kách mệnh năm 1927 tư cách của người cách mạng, trong đó có nội dung “Ít lòng ham muốn về vật chất”.
Đất nước đang bước sang năm thứ 38 của sự nghiệp đổi mới. Cần lắm, cần đội ngũ cán bộ thấm đượm tinh thần không dính gì tới vòng danh lợi mà Hồ Chí Minh đã nói năm xưa. Chỉ có như vậy, đất nước mới thật sự vào Xuân.
Thường là Tết đến Xuân về, Hồ Chí Minh hay chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước và kèm theo những vần thơ hòa vào không khí thiêng liêng lúc thời khắc giao thừa. Người đã đi xa. Đất nước đang vào Xuân. Hà Nội ngàn năm. Gió vẫn thổi từ sông Hồng vào Hồ Gươm lung linh sắc màu, tháp Rùa vẫn soi bóng xuống làn nước xanh như pha mực. Bên đền Ngọc Sơn, Tháp Bút đang vươn lên trời xanh. Chúng ta vẫn nghe văng vẳng lời Bác Hồ chúc Tết, có lẽ là lời chúc cho đất nước an lành, tươi đẹp, đất nước của những con người tràn đầy khí thế yêu cái Tốt ghét cái Xấu, vì sự hưng thịnh của Tổ quốc muôn đời và ghét trừ danh lợi. Nếu vậy, thì đây là một mùa Xuân chỉ dành cho những người cúc cung tận tụy với dân với nước như lời mong mỏi của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh./.
Người tổng hợp tin: Nguyễn Thị Thu Hà