Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để dám đương đầu trước mọi khó khăn, thử thách, hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Đó là phẩm chất, năng lực, bản lĩnh mà mỗi cán bộ, đảng viên nhất là là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp hiện nay phải nêu gương thực hiện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1957 (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
1.Dưới sự lãnh đạo của Đảng, gần 40 năm qua đất nước ta đã thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng và nhân dân ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phấn đấu đến năm 2045, khi chính thể Cộng hòa Dân chủ do Bác Hồ sáng lập, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm, nước ta sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Nhân tố quan trọng và quyết định đến sự thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhân tố con người. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là chủ thể của đổi mới và phát triển để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. Con người là “nguồn vốn” quan trọng nhất, là tài nguyên quý giá nhất của phát triển, chấn hưng đất nước. Nguồn tiềm năng, trữ năng lớn nhất tạo nên tiềm lực và thực lực phát triển quốc gia dân tộc, không gì khác chính là nguồn lực con người. Trong đó, đặc biệt quan trọng là phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta xác định: “… Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; “… Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Đây là một trong những điểm mới, quan trọng và đặc sắc mà Đảng xác định trong Văn kiện Đại hội XIII.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức trong sáng, ra sức thực hành 4 đức tính quý báu cần, kiệm, liêm, chính để suốt đời theo đuổi lẽ sống chí công vô tư, vì dân, vì nước theo gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng. Những cán bộ, đảng viên như thế sẽ là những người có năng lực sáng tạo với tư duy đổi mới, có ý chí chiến đấu, bản lĩnh đi tiên phong, tự giác, đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. Phong trào cách mạng ngày càng phát triển, nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đặt ra, nhất là vào thời điểm này Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cương quyết chống lại tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội… thì cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm, không lùi bước, không nản chí, thoái thác nhiệm vụ. Đảng và nhân dân đang đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính Đảng, tính tiền phong, gương mẫu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không chỉ thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của người cán bộ, đảng viên mà còn là dũng khí, bản lĩnh của người chiến sĩ tiên phong trong đổi mới, một phẩm chất cơ bản của tư cách đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam như Đảng ta đã xác định.
Trong Đảng ta có biết bao cán bộ, đảng viên thể hiện được tấm gương cao quý đó. Song vẫn còn không ít đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, xa rời lý tưởng, mục tiêu của Đảng, không chịu khó rèn luyện cả phẩm chất và năng lực, thậm chí còn thờ ơ, vô cảm, sa vào chủ nghĩa cá nhân, mắc vào vòng tội lỗi, phải xử lý kỷ luật theo Điều lệ Đảng và luật pháp của Nhà nước. Thực tế đã và đang xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả người giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý bộc lộ sự bạc nhược, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám hành động, thấy sai không dám nói, thấy việc cần làm không làm và không dám làm, thấy lỗi không đủ can đảm nhận lỗi và sửa lỗi.
Bởi thế, Đảng ta không chỉ tìm tòi chính sách, khuyến khích cán bộ, có cơ chế bảo vệ cán bộ tốt mà còn xác định rõ những biện pháp và chế tài để kịp thời xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái. Hơn 75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tường tận những điều đó. Những chỉ dẫn về khuyến khích cán bộ có gan nói, có gan làm, có gan đương đầu trước mọi khó khăn thử thách, có gan chịu trách nhiệm… được Người đề cập trong “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947 với bút danh X.Y.Z) vẫn nóng hổi tính thời sự và là kim chỉ nam dẫn dắt chúng ta hành động ngày nay.
2. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trước hết phải “sửa đổi lối làm việc của Đảng”. Người thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên thường hay mắc phải và Người gọi đó là những chứng bệnh phải ra sức sửa chữa. Đó là bệnh chủ quan, ích kỷ, hẹp hòi, mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra. Phải chữa hết những chứng bệnh đó. Người còn nói tới thói ba hoa, là khuyết điểm trong cách nói và cách viết. Nếu không chữa ngay, để nó lây lan thì nguy hại vô cùng, nhất là trong cách cư xử, đối đãi với quần chúng. Tự phê bình nghiêm khắc, thẳng thắn để tẩy cho sạch sẽ những khuyết điểm, bệnh tật đó. Tổng kết thực tiễn, Người khái quát thành lý luận, rút ra những bài học kinh nghiệm thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách lãnh đạo của Người.
Người nêu lên một tư tưởng quan trọng về cách tổ chức và cách làm việc, phải sẵn sàng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”. Thật là tỏ rõ tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng tổ chức, nhất là tôn trọng nhân dân, luôn xuất phát từ ý nguyện và lợi quyền của dân chúng mà hành động. Người phê bình cán bộ “chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới. Đó là thói không phụ trách “quá hữu”, gặp sao hay vậy”. Người cũng nói tới “thói không phụ trách “quá tả”, không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang. Như thế, không phải là dám nghĩ một cách đúng đắn, thận trọng, mà là tùy tiện, cẩu thả, trái với khoa học.
Theo Người, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước hết phải là người có đạo đức, năng lực, trí tuệ, lòng can đảm, động cơ phải hoàn toàn vì nước, vì dân. Đó là các phẩm chất: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Theo Người, nhân là thật thà, thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng; sẵn sàng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có gì phải giấu Đảng; không sợ người khác phê bình và phê bình đúng đắn người khác. Trí là đầu óc trong sạch, sáng suốt, không có việc tư túi làm cho mù quáng. Biết làm việc lợi, tránh việc có hại cho Đảng; vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian. Lại phải có dũng và liêm. Gặp việc có gan làm, khuyết điểm có gan sửa chữa; cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng; không tham địa vị, tiền tài, sung sướng; sẵn sàng hy sinh tính mệnh cho Đảng, Tổ quốc.
Người còn chỉ trích, phê phán những thói hư tật xấu. Người cho rằng, trăm nghìn “thứ bệnh” đều sinh ra từ một thứ “bệnh mẹ”, “bệnh gốc” đó là chủ nghĩa cá nhân, là giặc nội xâm-một thứ giặc ở trong lòng. Muốn tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, phải rèn đạo đức cách mạng suốt đời và phải có dũng khí để vượt qua. Người phê phán, chỉ trích gay gắt những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ở “những đảng viên và cán bộ đầu cơ” (cơ hội), “những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt”. Những “tật bệnh” này khiến Đảng chuệch choạc, kỷ luật lỏng lẻo, chính sách không thi hành được triệt để nên dẫn đến Đảng xa rời dân chúng. Phải kiên quyết chống lại bệnh cá nhân đó.
Những phê phán, chỉ trích của Người, giờ đây, sau hơn 75 năm, nay đọc lại ta thấy không khỏi dằn vặt, xót xa. Người thức tỉnh chúng ta hãy nêu cao dũng khí, danh dự, trách nhiệm, liêm sỉ để “tự soi, tự sửa”, làm cho mỗi đảng viên và toàn Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một Đảng chân chính.
Mấu chốt của vấn đề là nêu cao tự phê bình và phê bình, giữ gìn và củng cố đoàn kết, thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân, dựa vào dân mà xây dựng Đảng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ra sức kiểm soát quyền lực để quyền lực không bị tha hóa.
Xét đến cùng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để dám đương đầu trước mọi khó khăn, thử thách, hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Đó là phẩm chất, năng lực, bản lĩnh mà mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp hiện nay phải nêu gương thực hiện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Người tổng hợp tin: Nguyễn Thị Thu Hà