Người đã đi vào hội họa như thế

          Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại nhưng lại rất đỗi nhân hậu, hiền từ. Mỗi lần về thăm Quảng Ninh, Người đều dành thời gian đến với đồng bào các dân tộc, các vùng miền khác nhau. Bác đã vào mỏ, lên biên giới và ra đảo xa. Bác lên tầng, vào các nhà máy, xí nghiệp thăm công nhân lao động. Bác đến các hợp tác xã, ra đồng ruộng thăm bà con nông dân. Bác gặp gỡ quân dân Vùng mỏ và trò chuyện với các cháu thiếu niên, nhi đồng…

          Tình cảm của Người đã khắc sâu vào tâm khảm các lớp thế hệ người Quảng Ninh. Bằng ngòi bút chân thực, kính yêu Bác, các họa sĩ Quảng Ninh đã có nhiều bức vẽ về Người gắn với cuộc sống lao động, sản xuất và các thế hệ người Quảng Ninh những năm qua.

Tranh sơn dầu “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai” của họa sĩ Nguyễn Hoàng.

          Nói đến Quảng Ninh là nói đến một vùng than có vị trí đặc biệt quan trọng, là nguồn năng lượng chủ yếu phục vụ xây dựng đất nước. Quảng Ninh cũng là cái nôi của giai cấp công nhân, chính là người công nhân mỏ. Vì vậy, Bác Hồ nhiều lần về Vùng mỏ và đến thăm các mỏ than, trò chuyện với những người công nhân mỏ. Từ những sự kiện có thật và niềm kính yêu Bác, các họa sĩ đã vẽ về Bác gắn với những người công nhân mỏ. Tiêu biểu trong số đó, họa sĩ Nguyễn Hoàng có bức tranh sơn dầu “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai”, họa sĩ Vũ Tư Khang có bức tranh khắc gỗ “Bác Hồ với công nhân mỏ”, đều là những dòng tranh thế mạnh của các tác giả này.

          Họa sĩ Nguyễn Hoàng từng chia sẻ rằng, ông bắt đầu vẽ tranh Bác Hồ từ năm 1964, với việc vẽ lại ảnh của Bác để treo trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, của tỉnh. Riêng bức tranh “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai” được họa sĩ vẽ lại sự kiện Bác Hồ về thăm, nói chuyện với công nhân, cán bộ mỏ Đèo Nai chiều 30/3/1959. Bức tranh “Bác Hồ với công nhân mỏ” của họa sĩ Vũ Tư Khang vẽ ở một góc khác nhưng cũng lấy cảm hứng từ sự kiện này. Đây là mỏ than duy nhất được Người về thăm, sự kiện diễn ra vào thời kỳ đỉnh cao giai đoạn khôi phục sản xuất, tiến hành cải tạo XHCN của công trường than Đèo Nai, một điểm sáng ở Vùng than Cẩm Phả khi ấy với những nỗ lực vượt khó trong sản xuất giai đoạn sau giải phóng Vùng mỏ và nhiều phong trào thi đua, xây dựng cuộc sống mới, học bổ túc văn hóa, xóa mù chữ…

 

Bức tranh khắc gỗ “Bác Hồ với công nhân mỏ” của họa sĩ Vũ Tư Khang.

          Không chỉ công trường than Đèo Nai, mà khí thế sản xuất ở Vùng mỏ đều dâng cao. Vùng mỏ sau khi giải phóng, người công nhân mỏ từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ mỏ, làm chủ cuộc đời mình dưới ánh sáng của cách mạng, của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Họ đã vượt lên muôn vàn gian khó để sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc, với tinh thần “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ”, “Sản xuất than như quân đội đánh giặc”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… Ngành Than và những người công nhân mỏ vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ khu mỏ, đã giành được nhiều thành tích xuất sắc. 

          Riêng với mỏ Đèo Nai, sau ngày Bác về thăm, Mỏ Than Đèo Nai chính thức được thành lập năm 1960. Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), năm nào Mỏ cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, liên tục đạt sản lượng than cao nhất Vùng mỏ. Tháng 2/1965, Bác Hồ về đón Tết với nhân dân và cán bộ khu Hồng Quảng, Bác đã tặng “Cờ thi đua luân lưu khá nhất” cho ngành Than và giao cho Mỏ than Đèo Nai giữ cờ thi đua đó. Tiếp đó, ngày 25/4/1965, khi nghe tin Mỏ than Đèo Nai hoàn thành vượt mức kế hoạch quý I/1965, Bác đã gửi thư khen ngợi.

          Phong trào thi đua ở Đèo Nai sau này ngày càng phát triển, công nhân vừa đẩy mạnh thi đua sản xuất trong công cuộc xây dựng CNXH, vừa tích cực tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Đèo Nai vinh dự 4 lần nữa được nhận “Cờ thi đua luân lưu khá nhất” của Bác Hồ. Từ phong trào thi đua làm theo lời Bác, Mỏ Than Đèo Nai khi ấy đã vang danh nhiều tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, đã cống hiến cả cuộc đời cho Vùng mỏ, cho đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, đội ngũ những người thợ mỏ Đèo Nai đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo vươn lên thành một điểm sáng tiêu biểu của ngành Than.

Bức tranh lụa “Bác Hồ với nông dân” của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn.

          Không chỉ tới khai trường thăm hỏi, trò chuyện với công nhân mỏ, ngày 15/11/1968, tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, Người cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tiếp Đoàn hơn 30 đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Những lần gặp gỡ công nhân mỏ, Người không chỉ ngợi khen, hoan nghênh những kết quả của ngành Than, nêu bật vị trí quan trọng của than trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, xây dựng CNXH, mà còn thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại của ngành Than. Bác từng căn dặn: “Bác rất mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”. Từ lời dạy ân cần ấy, tỉnh Quảng Ninh hôm nay đang phát triển với nhịp độ cao, ngành Than phát triển vượt bậc, vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hoá – hiện đại hoá.

          Họa sĩ Nguyễn Hoàng cũng là người vẽ bức tranh “Bác Hồ đọc báo Quảng Ninh” để lại ấn tượng sâu sắc. Ông đã 2 lần được nhìn thấy Bác khi Người về thăm Quảng Ninh. Chỉ có thể đứng từ xa ngắm nhìn Bác, nhưng người nghệ sĩ đã nếm trải bao khổ cực, đắng cay của một thời nô lệ dưới gông xiềng thực dân Pháp, khi cảm nhận hạnh phúc của người công dân một đất nước độc lập, tự do thì cảm xúc trong ông rất mạnh mẽ, mang cả niềm tự hào, kính trọng Bác, vị lãnh tụ có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giải phóng Vùng mỏ. Cảm xúc ấy được ông và các họa sĩ Quảng Ninh đưa vào trong mỗi tác phẩm của mình bằng rất nhiều sự trân trọng, thiêng liêng.

          Bức tranh “Bác Hồ đọc Báo Quảng Ninh” ra đời cũng từ những tình cảm ấy. Theo chia sẻ của ông khi còn sinh thời, ông tìm hiểu và biết được những ngày ở Vùng mỏ, Bác Hồ thường xuyên đọc báo Quảng Ninh. Khi đọc báo, Bác hay dùng cây bút gạch chân những chỗ cần chú ý… Để có những chi tiết xác thực cho tranh, ông đã tìm đến khách sạn nơi Bác Hồ từng nghỉ, xem căn phòng Bác đã ở, khu vườn trước phòng Bác, từ đó bức tranh “Bác Hồ đọc báo Quảng Ninh” đã ra đời với nhiều xúc cảm và cả sự tỉ mỉ, cẩn trọng như thế. Bức tranh hiện được gìn giữ tại Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh như một kỷ vật quý.

          Người đi sau nhưng vẽ nhiều về Bác Hồ ở Quảng Ninh còn phải kể tới họa sĩ Đặng Đình Nguyễn. Ông vẽ về Bác với nhiều chủ đề những năm gần đây, như: “Bác Hồ với nông dân”, “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh”, “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng”… Đa phần các tranh vẽ Bác của ông bằng chất liệu lụa. Ông bảo mình “có duyên” và thấy lụa phù hợp với “cái gu” và “dạng tranh” hiện thực gợi tả mà ông theo đuổi. Lụa là chất liệu truyền thống, vẽ về Bác qua tranh lụa cũng mang lại sự gần gũi, lại diễn đạt được sự huyền ảo mà dung dị về vẻ đẹp vị lãnh tụ của dân tộc.

Bức tranh “Bác Hồ dừng chân bên rừng thông Yên Lập – Yên Hưng” của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn.

          Gần gũi, quan tâm sâu sát tới đồng bào các dân tộc, các tầng lớp nhân dân ở Quảng Ninh, những lần về thăm Quảng Ninh, Bác Hồ đều đến tận nơi bà con sinh sống, lao động sản xuất để thăm hỏi, trò chuyện. Có lẽ vì vậy nên đa số các hoạ sĩ vẽ Bác đều gắn với những sự kiện có thật khi Người về thăm Quảng Ninh, vẽ theo ảnh chụp lại sự kiện. Bức tranh “Bác Hồ dừng chân bên rừng thông Yên Lập – Yên Hưng” của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn cũng vậy. Đây là bức tranh thứ 9 ông vẽ về Bác Hồ, hoàn thành năm 2020.

          Tranh dựa trên sự kiện Bác về ăn Tết với quân và dân Quảng Ninh đầu năm Ất Tỵ 1965. Trên đường từ Hòn Gai về Uông Bí, đoàn đã dừng chân ở đồi thông Yên Lập, xã Minh Thành, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên). Vào mùa xuân 1958, cách thời điểm đó 7 năm, đông đảo đoàn viên thanh niên các huyện miền Tây Quảng Ninh đã phủ thông non trên 30ha đất trống, đồi trọc tại đây. Người ngồi nghỉ chân dưới rừng thông, leo lên tới đỉnh đồi ngắm khung cảnh xanh mát của rừng; đi chúc Tết và ân cần hỏi han trò chuyện với người dân ở thôn Khe Cát. Cán bộ, nhân dân Minh Thành rất hào hứng báo cáo, kể chuyện đánh giặc, ăn Tết, trồng rừng ở địa phương với Bác Hồ.

          Khi ấy, Bác khen khu rừng đẹp, biểu dương việc trồng cây gây rừng và dặn nên tiếp tục trồng cây vào những khu đất còn trống, không nên để lãng phí. Người nói rằng mùa xuân là Tết trồng cây, nên trồng thêm rừng sẽ đem lại nhiều lợi ích về sau. Bác ân cần động viên, dặn dò: Cánh rừng rất đẹp, các đồng chí phải chăm sóc bảo vệ tốt, trồng thêm cây xanh vào những khu đất trống. Rừng là vàng nếu biết bảo vệ, giữ gìn thì rất quý.

          Từ lời dặn đó của Người, phong trào Tết trồng cây đã lan tỏa mạnh mẽ ra khắp các địa phương trong tỉnh, thu hút người người, nhà nhà tham gia. Chỉ 1 năm sau khi được đón Bác về thăm, gần 1 vạn cây gồm thông và cây xanh các loại đã được trồng phủ xanh những diện tích đất trống, đồi trọc trên toàn xã Minh Thành. 5 năm sau đó, hàng chục nghìn cây thông đã được trồng. Đồi thông nơi Bác Hồ dừng chân đã thành một thắng cảnh đẹp, xanh tươi. Các khu vực xung quanh vốn xưa kia có nhiều diện tích đất trống, nay phủ kín một màu xanh. Quảng Ninh hiện là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao (duy trì 55%), chất lượng rừng được nâng cao.

          Còn nhiều, nhiều nữa những bức tranh mà các họa sĩ Quảng Ninh vẽ về Bác. Với nhiều phong cách, chất liệu khác nhau, nhưng các bức vẽ đều ra đời từ lao động sáng tạo, tâm huyết nghệ thuật và hơn tất cả là từ tình yêu, sự tôn kính của mỗi họa sĩ dành cho Bác, vị lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của dân tộc./.

Người tổng hợp tin: Nguyễn Thị Thu Hà

Đăng ký nhận tin.