Học tập văn hóa giao tiếp của chủ tịch Hồ Chí Minh

  1.  Văn hóa giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của toàn thể dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới là một sự kết tinh hài hòa giữa giá trị văn hóa giao tiếp truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa giao tiếp của thế giới hiện đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giao tiếp hành chính  được hình thành và phát triển trên cơ sở lòng yêu con người, yêu sự nghiệp giải phóng dân tộc, yêu quê hương, đất nước. 

          Văn hóa giao tiếp của Hồ Chí Minh thể hiện một phong thái đặc biệt, đầy nhân văn, nhân bản của con người. Người luôn bình dị, lạc quan, yêu đời, xử lý một cách khéo léo các tình huống giao tiếp xảy ra có lợi cho công việc chung của Nhà nước. Người luôn có một phong cách và kỹ năng giao tiếp giản dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, tế nhị và chu đáo với mọi người. Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến giá trị văn hóa giao tiếp ở Người.

          Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã nói về Hồ Chí Minh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Sức thuyết phục của nhân cách và phong cách giao tiếp hành chính của Người tỏa sáng cho hoạt động giao tiếp hành chính của chúng ta ngày nay.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO công nhận là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc”. Văn hóa giao tiếp hành chính của Hồ Chí Minh là một chuẩn mực cho tất cả cán bộ, công chức noi theo trong quan hệ giao tiếp với nhân dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

  1. Cán bộ, công chức trong giao tiếp hành chính hiện nay cần nắm vững một số nguyên tắc cơ bản trong văn hóa giao tiếp hành chính của Hồ Chí Minh như sau:

          Một là, phải biết tôn trọng và lễ phép với nhân dân, hoạt động hành chính phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, luôn chăm lo đến nhân dân.

          Người viết: “Gốc có vững thì cây mới bền, xây lầu độc lập trên nền nhân dân”. Đó là một chân lý mà Hồ Chí Minh đã đúc rút ra từ thực tiễn xây dựng và phát triển Nhà nước ta.

          Hai là, phải thương yêu, quí trọng, con người, biết đồng cảm, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau.

          Người nói: chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới, chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, học người và giúp người tiến bộ. Xem xét, đánh giá con người phải không được chủ quan phiến diện, một chiều theo cảm tính mà phải khách quan, toàn diện, không thiên vị, không thành kiến, hẹp hòi. Tôn trọng công lý, yêu thương con người là nền tảng cơ bản trong văn hóa giao tiếp hành chính của Hồ Chí Minh.

          Ba là, cán bộ, công chức cần phải có đạo đức cần, kiệm,  liêm, chính. Hồ Chủ tịch nói: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong hoạt động hành chính Người coi  trọng cả hai nhưng luôn khẳng định đức là gốc. Bản thân Hồ Chủ tịch cũng là một hiện thân trong sáng về tấm gương cần, kiệm, liêm, chính. Người nói: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta cần phải cần, kiệm, liêm, chính”.

          Bốn là, phải giữa chữ “tín”. Trong quan hệ giao tiếp hành chính giữ chữ tín là để lòng dân tin yêu Nhà nước.

          Muốn giữ đuợc chữ tín, công chức hành chính phải luôn “lời nói đi đôi với việc làm, không nói suông, không hứa suông, không nói một đằng làm một nẻo”. Khổng Tử nói: “Bỏ lương thực thì có thể chết đói, chứ dân không tin thì chính quyền sụp đổ”.

          Năm là, nắm vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.Cái “bất biến” đó là mục tiêu vì con người và do con người, vì hạnh phúc của nhân dân, độc lập tự do của dân tộc. Cái “vạn biến” là thực tiễn luôn vận động và biến đổi không ngừng, do vậy trong giao tiếp con người cần phải linh hoạt, năng động, thích nghi với sự thay đổi đó.

  1. Trong hoạt động hành chính hiện nay, cần áp dụng các nguyên tắc trên vào trong các mối quan hệ giao tiếp hành chính cơ bản sau để thể hiện tầm cao của giá trị văn hóa giao tiếp mà cán bộ, công chức sống, học tập và noi gương Bác Hồ vĩ đại: Trong quan hệ với cấp trên – dưới phải nâng cao vai trò của văn hóa quyền lực.

          Đối với cấp dưới, cán bộ lãnh đạo phải biết đặt đúng người, đúng việc, đúng sở trường, sở đoản của họ. Người nói: “chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm của họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người”. Trong giao tiếp phải giúp cấp dưới cho đúng. Có năm cách giao tiếp với cấp dưới trong văn hóa quyền lực của Hồ Chủ tịch, đó là:

          – Chỉ đạo, biết ủy quyền: “thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ…”.

          – Nâng cao, phát huy sáng kiến: kịp thời biểu dương những sáng kiến, động viên, khen ngợi kịp thời.

          – Kiểm tra, cải tạo: thái độ  đối với những khuyết điểm của cấp dưới cần khoan dung, nhân ái, giúp đỡ họ thấy rõ nguyên nhân và chỉ cho họ cách khắc phục, tránh  mắng mỏ, xúc phạm nhân cách của họ.

          – Đánh giá: đánh giá cấp dưới phải khách quan công bằng, bao dung, độ lượng, không hẹp hòi, xoi mói, bắt bẻ, cố chấp.

          – Giúp đỡ: “phải luôn dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Và phải luôn luôn kiểm soát cán bộ”.

          – Biết lắng nghe: “Không nên tự tôn, tự đại mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới”.

          Đối với cấp trên:

          – Cần có thái độ tôn trọng, kính trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

          – Nghiêm túc chấp hành quyết định của cấp trên, nếu có gì thắc mắc cần trình bày thẳng thắn trung thực, thuyết phục để cấp trên hiểu.

          – Cần có thái độ trung thành, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn trong quan hệ với cấp trên, không a dua, xu nịnh, luồn cúi.

          – Cần phải báo cáo khách quan trung thực, không gây nhiễu thông tin, thông tin truyền lên cấp trên phải đúng đắn để cấp trên có biện pháp xử lý hiệu quả.

          Trong quan hệ với đồng cấp, chú ý:

          – Cần khiêm tốn nhã nhặn khi trao đổi bàn bạc những ý kiến về những vấn đề phối hợp trong hoạt động hành chính với những người đồng cấp.

          – Chú ý lắng nghe ý kiến của nhau, không chủ quan, vội vàng cho ý kiến của mình là tuyệt đối đúng. Cùng nhau thảo luận để tìm ra ý kiến chung hoặc thuyết phục đồng nghiệp hiểu vấn đề mình nói, nếu chúng ta thấy ý kiến của mình là đúng.

          – Biết phối hợp, đoàn kết, thương yêu nhau và chia sẻ hệ thống giá trị chung của tổ chức, trên cơ sở tôn trọng giá trị và nhân cách của nhau.

          Trong quan hệ đối với nhân dân, cần nâng cao vai trò của văn hóa phục vụ

          – Sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh là sự nghiệp vì dân, theo Người, suy nghĩ, hành động, sáng tác đều xuất phát từ cái Tâm: vì nhân dân phục vụ. Người đã từng nói vào năm 1946 “Tôi thiết tha mong muốn cho nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”.

          – Trong giao tiếp với dân, Người luôn tâm niệm phục vụ nhân dân  làm khuôn phép cho giao tiếp hành chính. Người viết: Dân rất tốt, vì thế bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của dân mà làm, cách làm việc tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo.v.v… của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn mẫu: “Từ trong quần chúng mà ra, về sâu trong quần chúng”. 

          – Phong cách giao tiếp ứng xử với  dân trước hết là kính trọng, lễ phép, không hống hách, cửa quyền, hách dịch, quan liêu, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của dân đồng thời giải quyết kịp thời những vướng mắc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân.

          Tóm lại, trong giao tiếp hành chính cần quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi suy nghĩ, tình cảm và hành động của mọi người, thể hiện trình độ văn hóa giao tiếp cao thông qua ngôn ngữ, thái độ, cử chỉ, tác phong, hành vi… đối với đối tượng giao tiếp. Cán bộ, công chức hành chính cần luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong, thái độ và hành vi ứng xử trong hoat động hành chính để đem lại hỉệu lực và hiệu quả của quản lý hành chính./.

Người tổng hợp tin: Nguyễn Thi Thu Hà

Đăng ký nhận tin.