Học tập và làm theo Bác về trồng cây bảo vệ môi trường

        Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, Bác Hồ phát động trồng cây với mục đích vừa góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, trong lành hơn cho con người.

          Môi trường hiện là chủ đề nóng không chỉ Việt Nam mà cả thế giới hết sức quan tâm. Môi trường gồm, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên là tổng thể các yếu tố tự nhiên xung quanh bao gồm khí quyển, thổ nhưỡng, động vật, thực vât…Trong đó, thực vật (cây xanh) là yếu tố quan trọng, một bộ phận cơ bản của môi trường sống, nó khả năng tác động đến: địa hình, khí hậu, đất đai, nước, không khí… và có ý nghĩa sống còn đối với đời sống con người. Vì vậy, cây xanh càng phát triển thì khả năng cân bằng và sự ổn định môi trường sinh thái tự nhiên càng lớn, góp phần vào việc chống lại sự biến đổi khí hậu của trái đất. Vì thế, người ta đã gọi môi trường xanh là nguồn sống, là lá phổi của trái đất… 

           Người luôn gần gũi và yêu quý thiên nhiên

          Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và môi trường. Người quan niệm rằng trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tại căn cứ địa Việt Bắc, trên những chặng đường kháng chiến gian khổ, nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường giản dị với tranh, tre, lá, nứa, cây rừng… và có thêm một mảnh đất để tăng gia trồng rau. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến, Người vẫn chủ trương bảo vệ rừng và dựa vào địa hình thiên nhiên để xây dựng căn cứ bí mật, phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến. Ông Hoàng Hữu Kháng, người bảo vệ Bác từ 1941-1951 kể, những năm ở chiến khu, khi tìm chỗ làm nhà cho Bác. Bác luôn căn dặn cán bộ phải chọn những nơi ở đảm bảo các tiêu chí: “trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”. Đến địa điểm mới, Người cùng cán bộ bắt tay ngay vào việc cuốc đất trồng cây vừa để cải thiện đời sống, vừa để hòa nhập vào thiên nhiên.

          Sau ngày kháng chiến thành công, trở về Hà Nội làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Bác chuyển đến sống và làm việc trong một ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa vườn cây xanh, bên bờ ao trong mát, Người đã trồng rau, trồng hoa, cây ăn quả, nuôi cá ở Phủ Chủ tịch. Ông Đinh Đăng Định, người chụp ảnh cho Bác kể: những năm ở gần Bác, ông thấy Bác thương cả cây cỏ, chim muông. Bác cấm anh em tuyệt đối không ai được bắn chim. Bác bảo: “Để chúng hót cho vui! Chim cu hót hay lắm”. Nhà thơ Cu-ba P. Rodrighet sau khi đến thăm nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch đã nhận xét: “Chúng tôi được biết có hai điều Bác Hồ yêu thích, đó là hoa và tiếng chim ca. Hoa và chim luôn luôn ở bên Người. Ngôi nhà nhỏ của Bác nhìn ra phía nào cũng có một ô cửa sổ, một bức tranh bằng ánh sáng, trong đó hiện ra những cành cây, và khi gió nhẹ thổi qua, bức tranh như có sức sống”. Hai vị khách Thụy Điển sau khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch đã nói:” Ttrước đây, chúng tôi không thể tưởng tượng rằng Hồ Chí Minh tự tay cho cá ăn, trồng cây, đánh máy chữ…Được tận mắt nhìn thấy những gì trong khu di tích này, chúng tôi rất khâm phục một con người lỗi lạc như ông” . Giữa trăm công nghìn việc bận rộn lo cho nước, cho dân khi hai miền Nam- Bắc còn bị chia cắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống bình dị và hoà mình với thiên nhiên như để tìm cái ung dung tự tại, sự bình tĩnh thanh thản mà sẵn sàng ứng phó với mọi biến cố phức tạp. Cũng từ khu vườn cây này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quan điểm xã hội, dân sinh tiên tiến, trong đó đặc biệt là vấn đề trồng cây góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

          Người kêu gọi trồng cây để bảo vệ môi trường 

          Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên và cây xanh đối với đời sống con người, Bác đã sớm quan tâm tới việc xây dựng một môi trường sống trong lành cho nhân dân, lấy việc trồng, bảo vệ cây xanh là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường. Năm 1957, dịp Bác Hồ về thăm Quảng Bình, Tỉnh ủy đã tổ chức buổi liên hoan văn nghệ chào mừng Bác tại bãi cát trống ven biển. Cuối buổi văn nghệ Bác đứng dậy, nói với mọi người: “Để kỷ niệm tôi vui của bác cháu ta. Bác đề nghị mỗi cháu ở đây phải trồng một cây phi lao để chắn gió”. Mọi người đồng ý và xin Bác được trồng 2 cây. Bác đồng ý và căn dặn: “Nhưng phải đảm bảo trồng cây nào cũng phải sống và xanh tốt. Các cháu nhớ báo cáo tình hình cho Bác biết”. Khi đến thăm Trường Trung cấp Thể dục thể thao Từ Sơn, Người căn dặn: “Nên cố gắng trồng nhiều cây có bóng mát để học sinh có nơi trú nắng” . Đặc biệt, từ năm 1959 đến đầu năm 1969, Bác Hồ đã viết 7 bài viết kêu gọi trồng cây trong các năm 1959, 1960, 1963, 1964 1965, 1969, riêng năm 1960 Bác viết 2 bài. Qua đó, chúng ta đã biết Bác quan tâm đến việc trồng cây gây rừng đến mức nào. Trong mỗi bài, Bác đều đưa ra những dẫn chứng, ích lợi của việc trồng cây: vừa có tính kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Như  trong bài: “Tết trồng cây”, đăng trên Báo Nhân dân số 2082, ngày 28/11/1959, Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng t­ươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”. Ngày 9/5/1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, Hải Ninh (nay là Quảng Ninh). Người căn dặn: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp”Ngày 1/1/1965, trong bài Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trông cây đăng trên Báo Hà Đông, Người chỉ rõ: “muốn xây dựng nông thôn mới… là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều tốt để lấy gỗ và để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chông sói mòn…” .

          Muốn bảo vệ môi trường thì phải bảo vệ rừng, giữ cân bằng sinh thái tự nhiên

          Không chỉ kêu gọi mọi người tích cực trồng cây, gây rừng mà Bác Hồ yêu cầu phải có ý thức trách nhiệm bảo vệ cây để bảo vê môi trường. Những năm ở chiến khu, khi làm nhà cho Bác, Người yêu cầu: “Làm lán cho Bác phải dựa vào cây không được chặt phá cây ảnh hưởng đến môi trường”. Quanh bờ dậu trước nhà sàn Bác thường cho anh em trồng cây dâm bụt. Bác thích loại cây đó, vì nó gần gũi, thường gặp ở vùng quê. Một lần, ông Đinh Đăng Định chụp ảnh cho Bác, nhưng có một cành cây nhỏ làm vướng máy, ông vít cành định bẻ đôi thì Bác ngăn lại và nói: “Ấy chú đừng bẻ! tuy nó không cho quả ăn, những cũng cho bóng mát”. Một lần khác thấy các đồng chí cảnh vệ chặt cây để làm hầm, Bác bảo: “Cây rừng là của ta, ta phải giữ gìn để bảo vệ môi trường”.  Lần khác Bác cùng anh em đi công tác ở Sơn Tây, khi ngồi nghỉ, chợt có đồng chí vứt mẩu tàn thuốc lá ra sườn đồi, Bác quay lại nhắc ngay: “kìa, dập đi chú, tàn lửa có thể làm cho cả đồi cỏ bị cháy đấy! Nếu ta không biết giữ thì một đốm lửa có thể làm cháy cả một khu rừng”. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”. Đúng như lời dạy của Bác, thực tế hiện nay, rừng có “ông chủ” là các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, nhưng rừng vẫn bị tàn phá (?). Trong thư gửi Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du, Bác nhắc nhở: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy, đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia, phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”.

          Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi và cho rằng, “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Người cảnh báo nhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt, phá khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự  phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến khí hậu, đời sống sản xuất. Năm 1968, đồng chí Đại tá Đàm Quang Trung, Tư lệnh Trưởng Quân khu IV, đóng tại xã miền núi tỉnh Quảng Bình có bắn được một con Hổ dữ chuyên vào vồ lợn của bà con. Sau khi thịt xong, Ban quân y tiền phương đem bộ xương nấu cao và cử người mang ra biếu Bác vài ba lạng. Hôm sau đồng chí Đàm Quang Trung được ra Hà Nội dự họp Tổng kết chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Sau khi họp xong, ông được Bác mời vào Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói: “Chiến tranh, bộ đội thường phải trú quân trong rừng nên phải hướng dẫn cho anh em tận dụng hang động, hạn chế tối đa việc chặt cây, phá rừng. Chặt cây động rừng, muông thú không có nơi ở phải bỏ đi lang thang. Bộ đội ở rừng gặp thú rừng là đương nhiên. Trong tay lại có súng, có đạn nên việc sát hại thú rừng là dễ xẩy ra lắm. Chú về chỉ thị, nhắc nhở toàn quân không được săn bắn thú rừng… Ta lại còn săn bắn nữa thì nay mai đất nước hòa bình, giang sơn đâu còn là rừng, rừng đâu còn muông thú? Thế chẳng khác gì đất không có người, sông không có cá”.

          Kịp thời khen thưởng người tốt, việc tốt trong trồng cây bảo vệ môi trường

          Hưởng ứng lời kêu gọi trồng cây, bảo vệ cây, góp phần bảo vệ môi trường của Bác Hồ, các tầng lớp nhân dân đã tham gia tích cực và tạo thành một phong trào sâu rộng. Sau 5 năm (1960-1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 575 triệu cây các loại, trong đó có hơn 200 triệu cây trồng ven biển để bảo vệ đê. Đồng thời, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình về phong trào trồng cây như: hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vĩnh Quang; các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An… phong trào dần dần lan toả rộng khắp và mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của con người. Để kịp thời động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào trồng cây, khi đọc báo Trung ương và địa phương, thấy có những tin bài viết về những gương người tốt, việc tốt, về trồng cây, Bác đánh dấu lại và thưởng huy hiệu của Người cho những cá nhân có thành tích trồng cây xuất sắc: bài “Người xã viên trăm cây” đăng báo Nhân dân, ngày 22/2/1960, viết nêu gương cụ Đỗ Đăng Hoè, xã viên HTX An Trường, Ứng Hòa, Hà Đông, 61 tuổi, trồng 110 cây Nhãn trên hai bờ mương. Bác đã dùng bút chì đỏ đánh dấu thưởng huy hiệu cho cụ. Bài “Trồng 73 cây đều sống” đăng báo Nhân dân, ngày 28/3/1960, viết về nêu gương cụ Chu Duy Sỹ, 60 tuổi ở xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên tích cực trồng chăm sóc cây, Bác lại dùng bút chì xanh đánh dấu bằng chữ Hán thưởng huy hiệu cho cụ.

          Bài“Một người mù làm cho tổ quốc tươi xanh tươi” đăng báo Nhân dân ngày 2/9/1962, viết về nêu gương anh Cao Xuân Nhì, 21 tuổi ở xã Thanh Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc mù cả hai mắt vẫn tích cực trồng cây, Người đánh dấu thưởng huy hiệu cho anh. Bài “áp dụng kỹ thuật vào tăng năng suất trồng cây”, báo Tây Bắc, ngày 1/6/1966 nêu gương Cụ Hà Văn An, 60 tuổi ở Chiềng Cheng, Mai Sơn, Tây Bắc có nhiều sáng tạo trong sản xuất, vận động bà con dân tộc áp dụng kỹ thuật vào tăng năng suất trồng cây,  Người đánh dấu thưởng huy hiệu cho cụ. Ngày 18/1/1968, bản tin Việt Nam Thông tấn xã đăng tin“Cụ già trồng 4 vạn cây”, viết nêu gương cụ Trương Văn Húc xã T- Hà Tĩnh đã trồng 4 vạn cây trên đoạn đường 6km trong điều kiện máy bay Mỹ oanh tạc liên tục, Người đánh dấu thưởng huy hiệu cho cụ.… Ngoài ra, Người biểu dương thôn Lạc Trung (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc): “Hồi kháng chiến bị giặc Pháp đốt sạch, không còn một gốc cây nào. Nhờ trồng cây có kế hoạch nên từ một thôn trơ trọi chỉ sau vài năm Lạc Trung trở nên xanh tươi nhất trong cả huyện Vĩnh Tường…Bà con xem đó, do Tết trồng cây mà đất nước ta càng thêm xanh tươi, nhân dân ta càng thêm giàu có“.

          Tấm gương sáng trong trồng cây bảo vệ môi trường

          Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương cho mọi người bằng những hành động cụ thể. Năm 1960, Bác tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Năm 1961, Bác cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô của tuổi trẻ tại vườn hoa Thanh Niên. Ngày 3/2/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong Hội trồng cây thống nhất của đồng bào huyện Đông Anh. Và hằng năm mùa xuân về, Bác lại tham gia trồng cây. Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khoẻ đã yếu đi nhiều, nhưng Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị. Sau khi thăm và nói chuyện với anh chị em chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân ở sân bay Bạch Mai, Bác lên đường chúc tết đồng bào Sơn Tây và trồng cây đa lưu niệm ở đồi Vật Lại – Ba Vì. Không chỉ quan tâm đến việc trồng cây gây rừng ở trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mong muốn việc làm đó phát triển ở các nước khác. Trong những lần thăm nước bạn, Người đều tổ chức trồng cây lưu niệm như: trồng cây đại Ấn Độ (1958), trồng cây sồi ở Nga (1960),… và gọi đó là những cây hữu nghị, nhân dân địa phương gọi là những Cây Bác Hồ. Các cây Bác trồng lớn lên theo thời gian không chỉ biểu hiện ý nghĩa Chính trị lớn lao của tình hữu nghị tươi thắm giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân trên thế giới mà còn thể hiện ý thức làm đẹp môi trường sống cho con người.

Đặc biệt Khu Phủ Chủ tịch- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc từ tháng 12/1954, trước đây không có nhiều loại cây như hiện nay. Từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về, những khoảng đất trống, um tùm cỏ dại dần dần được Người và anh chị em cán bộ cải tạo thành khu vườn trồng cây, trồng rau và trồng cây ăn quả. Nhờ bàn tay chăm sóc của Người và anh chị em cán bộ, vườn cây xanh, thảm cỏ trong Khu di tích Phủ Chủ tịch kết hợp với ao thả cá tạo nên một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, môi trường sống trong lành. Mỗi cây đều mang một bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc hoặc một câu chuyện cảm động. Năm 1955, khi nhận cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu, tự tay Bác đã trồng và chăm sóc cây vú sữa, khi mùa đông giá lạnh Bác bảo các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây và lấy mùn (tro bếp) tấp vào gốc để chống rét cho cây.

          Trên con đường từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn có một cây đa với 3 nhánh rễ buông từ trên cành xuống đất tạo thành thế vững chãi cho cây trong những ngày giông bão. Vào năm 1965, anh em làm vườn phát hiện một chùm rễ đa nhỏ từ trên cành rủ xuống lơ lửng. Lo chùm rễ phát triển dài sẽ làm vướng đường đi lại, mọi người định cắt bỏ. Biết được ý định đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tán thành và Người đã gợi ý cách kéo rễ đa xuống đất để vừa không vướng lối đi vừa tạo cho thế cây vững chắc, sau gần 3 năm anh em mới đưa được rễ cây xuống đất. Xung quanh ao cá có rất nhiều những cây bụt mọc cổ thụ thuộc họ bách xanh, rễ nhô cao khỏi mặt đất, to, nhỏ, cao, thấp khác nhau. Có một cây bụt mọc ở đầu bên kia chiếc cầu từ nhà sàn qua ao bị mối ăn ruỗng hết hai phần ba thân. Anh em làm vườn định cắt bỏ cây, nhưng Bác đã hướng dẫn cho anh em cách chữa bệnh cho cây như sau: cạo bỏ hết phần ruột cây bị mối ăn, lấy rơm và vôi cho vào thân cây để diệt côn trùng và tạo thân giả, sau đó lấy xi măng trát kín bên ngoài để nước mưa không ngấm vào làm hỏng cây. Sau một thời gian chăm sóc, cây lại phát triển bình thường…

          Còn có một loại cây rất đặc biệt  nữa đó là cây xanh bốn mùa. Nhân một chuyến đi thăm Trung Quốc vào mùa đông năm 1957, lúc ấy trời lạnh, nhiều cây lá rụng trơ cành nhưng riêng lá loài cây này vẫn xanh tươi. Người nói với anh em trong đoàn tìm một số giống cây loại này mang về, trồng thử trong vườn, nếu phù hợp với khí hậu Việt Nam sẽ đem trồng rộng rãi trên các đường phố để người công nhân vệ sinh đường phố đỡ vất vả vào mùa lá rụng; Tháng 5/1966, khi đi thăm đảo Hải Nam, Trung Quốc, Bác thấy ở đây có loại cây cọ có thể lấy quả ép dầu làm thực phẩm, nghĩ đến đời sống của đồng bào vẫn còn quá nhiều khó khăn, Bác nói với những người đi cùng: “Vùng này, đất và khí hậu cũng giống nước ta, ta có thể xin lấy giống cây cọ dầu vùng này về trồng thử. Nếu cây phát triển tốt, sau này đề nghị ngành nông nghiệp nhân giống và phát triển loại cây này để lấy quả ép dầu cho nhân dân dùng.

          Ngoài ra, nhiều cây trồng trong vườn còn gắn với tình đồng chí, bè bạn, tình hữu nghị quốc tế. Tháng 12/1959, trong chuyến thăm hữu nghị Inđônêxia, nhân dân đất nước vạn đảo đã kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh hai cây dừa và Người đã trân trọng đưa về trồng hai bên cầu ao trước nhà sàn. Năm 1963, nhân sự kiện Liên Xô phóng thành công hai con tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6 do nhà du hành vũ trụ Bưcôpxki Valeri và nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Têrêscôva điều khiển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho trồng hai cây Y lan (Cây lan vũ trụ) làm kỷ niệm ở dọc đường ven ao dẫn vào ngôi nhà sàn. Giờ đây, hai cây lan vũ trụ vẫn còn đó, dáng thẳng đứng vươn lên bầu trời như hai con tàu vũ trụ sóng đôi.

          Quan điểm trồng cây và những cây Bác Hồ trồng đã để lại cho chúng ta bài học quý báu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhân loại đang đối diện với rất nhiều vấn đề bức xúc về môi trường. Sự phát triển kinh tế càng nhanh thì càng kéo theo hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường sống, các đô thị đang bị ô nhiễm, ngột ngạt vì khói bụi, đe dọa sức khỏe và chất lượng sống của con người. Nhiều khu công nghiệp với hàng trăm hàng nghìn nhà máy đang xả chất thải sản xuất trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Nạn chặt phá rừng, buôn bán gỗ lậu, khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn ra ngày càng tinh vi trên khắp các cánh rừng gây ra nhiều hậu quả nặng nề như làm gia tăng nhiệt độ trái đất kéo theo lũ lụt, sạt lở đất… Rõ ràng sự ô nhiễm môi trường do con người gây ra lại đang ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của chúng ta.

          Nhận thức được giá trị thiết thực và ý nghĩa cao đẹp từ vấn đề Trồng cây bảo vệ môi trường tự nhiên mà Bác Hồ phát động, toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục duy trì và phát động phong trào trồng cây, gây rừng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn. Trong đó, thanh niên, học sinh, sinh viên trong các nhà trường, học viện, trong tổ chức Đoàn thanh niên tham gia phong trào trồng cây xanh, tuần lễ xanh, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ… nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ngăn chặn lũ lụt, thiên tai, mang lại bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho cuộc sống của con người, góp phần bảo vệ môi trường, chống lại những tác động của biến đổi khí hậu. Làm tốt điều này chính là một trong những hành động thiết thực trong đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị./

Người tổng hợp tin: Nguyễn Thị Thu Hà

Đăng ký nhận tin.