Tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp làm nên giá trị vô giá về nhân cách, phẩm giá, chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Tấm gương, di sản mà Người để lại cho hậu thế vẫn trường tồn với thời gian. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng thì việc học tập và làm theo Bác nói chung, học tập và làm theo tấm gương về tình yêu thương con người của Bác nói riêng lại càng đặt ra bức thiết.
Ảnh tư liệu
Trong những phẩm chất, đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một yếu tố vô cùng quan trọng, là động lực thôi thúc hoạt động không mệt mỏi vì nước, vì dân của Người; cũng là nền gốc để quy tụ, đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp, mọi lực lượng… đó chính là lòng yêu thương con người của Bác.
Theo Bác, tình yêu thương con người thể hiện trước hết là tình yêu thương đối với đồng bào, với nhân dân, với những người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột. Vì vậy, phải hết lòng giúp dân, giúp nước để đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng là mong ước lớn lao của Bác: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”1. Đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào, trở thành ngọn cờ chiến đấu và mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người.
Với tình yêu thương vô hạn đó, trọn cuộc đời của mình, Người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Người khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”; “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”2.
Tình yêu thương con người của Bác rất cụ thể, rõ ràng từ việc lớn đến việc nhỏ như: lo giải phóng cho con người khỏi ách áp bức, bóc lột, được tự do, hạnh phúc; đến việc giúp cho con người thoát dần khỏi cuộc sống đói, nghèo, thiếu thốn, vất vả, thậm chí đến từng bữa cơm, manh áo, từ chỗ ở, việc làm… Bác đánh giá cao vai trò của Nhân dân; Bác tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công quét rác. Bởi theo Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau.
Theo Bác, yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Năm 1968, khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” nhằm tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong ứng xử giữa những con người, Bác đã nhắc nhở: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lê nin được”3.
Theo Bác, yêu thương con người thì phải tin vào con người. Với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì khoan dung, độ lượng, rộng rãi, giúp con người có điều kiện vươn lên, kể cả với những người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người là phải giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn. Phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để không ngừng tiến bộ.
Tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật giản dị mà cao quý. Tình yêu thương đó không phải bằng lời nói cao sang hay những khẩu hiệu hô hào chung chung mà bằng chính hành động, lời nói và việc làm cụ thể. Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ lại phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách trước cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng với hạn hán, thiên tai, lũ lụt, Nhân dân ta rơi vào tình cảnh chết đói ở khắp mọi nơi. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân thi đua “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người tin vào lực lượng của Nhân dân, vào tinh thần và sự hăng hái của toàn dân – nguồn nội lực lớn nhất có thể đưa dân tộc vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm trong cuộc chiến đấu chống mọi kẻ thù để bảo vệ và xây dựng đất nước.
Vì vậy, để khắc phục nạn đói, Người đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc quyên góp cứu đói. Ngày 07/12/1945, trong thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là cách thiết thực để chúng ta giữ vững quyền tự do, độc lập”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, cả nước thi đua thực hiện “tấc đất, tấc vàng”, “không một tấc đất bỏ hoang”. Người cùng các Bộ trưởng và nhân viên Chính phủ cùng tham gia sản xuất sau giờ làm việc, tăng gia một cách thực sự, không phải là tăng gia một cách hình thức. Trong khi chờ đợi thu hoạch ngô, khoai, sắn… Người đề xướng phong trào quyên góp “hũ gạo cứu đói”, kêu gọi đồng bào cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo cứu dân nghèo và Bác đã tự gương mẫu thực hiện trước. Tại buổi khai mạc cuộc quyên góp tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội, Bác đã đem phần gạo nhịn ăn của mình quyên góp trước tiên.
Tấm gương về việc làm của Bác đã khích lệ đồng bào cả nước hưởng ứng làm theo. Bằng những lời lẽ thiết tha, xúc động, Người viết thư động viên đồng bào cả nước nêu cao tinh thần “nhường cơm sẻ áo” để cứu dân nghèo: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Ðem gạo đó để cứu dân nghèo”5. Nhờ sáng kiến đó, mỗi tuần Nhân dân cả nước đã quyên góp được hàng vạn tấn gạo cứu đói, giúp cho nhiều người nghèo vượt qua nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Những năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch (1954 – 1969), tấm lòng nhân ái bao la của Người càng được phản ánh sâu sắc qua sự quan tâm và sẻ chia của Bác đối với từng con người: trước hết cho những con người ở vị trí chiến đấu gian khổ nhất; chia sẻ đau buồn, cảm thông với những người mất mát, hy sinh; khoan dung độ lượng với những người lầm lỗi, khuyết điểm, nay thành thật hối cải; thuyết phục những người do dự, phân vân; trân trọng các cháu thiếu niên, nhi đồng; kính trọng các cụ phụ lão; sống chan hoà, gần gũi với những người giúp việc quanh mình… Tình thương yêu con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là lòng thương hại, cũng không phải là lòng trắc ẩn mà là sự đồng cảm sâu sắc của những người cùng cảnh ngộ, thấu hiểu những đau khổ, hy sinh của đồng bào.
Thời kỳ Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch là những tháng năm đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam – Bắc. Đồng bào miền Nam chịu nhiều mất mát, hy sinh bởi sự tàn sát dã man của đế quốc Mỹ xâm lược. Bác luôn hướng về đồng bào, chiến sĩ miền Nam với tình thương yêu sâu nặng: “Một ngày miền Nam chưa được giải phóng là ngày đó tôi ăn không ngon, ngủ không yên”; “Ở miền Nam mỗi người, mỗi gia đình đều có những nỗi đau khổ riêng và gộp lại tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.
Tình thương yêu con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự chăm sóc, lo lắng đối với đồng bào, đồng chí, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, các chiến sĩ ngoài mặt trận… Người đã dành trọn số tiền tiết kiệm của mình mua nước giải khát cho bộ đội phòng không uống. Người chia quà cho các cháu thiếu nhi vào dịp tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi. Mỗi khi có gió mùa Đông Bắc về, Người nhắc nhở chống rét cho các em nhỏ, các cụ già. Người quan tâm đến những ngày giáp hạt của nông dân, thấu hiểu nỗi vất vả, khó nhọc của những người lao động và tìm mọi cách để góp phần cho cuộc sống người dân bớt đi phần vất vả. Những khi làm việc đêm khuya, có bát chè bồi dưỡng, Bác cũng xẻ đôi cho người chiến sĩ bảo vệ cùng ăn. Lúc đi chiến dịch biên giới, Bác không chịu một mình cưỡi ngựa. Bác bảo cả bảy người cùng đi bộ, để ngựa thồ hành lý cho anh em đỡ mệt… Những lúc bớt bận rộn, Bác thường dành thời gian đến thăm các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Thấy các cháu nhỏ sức khỏe yếu, Bác đề nghị những nhà lãnh đạo địa phương phải chăm lo đến đời sống người dân từ việc nhỏ nhất.
Người quan niệm cái gì có lợi cho Nhân dân, cho dân tộc là chân lý và Người xem phục vụ Nhân dân là phục vụ chân lý, làm công bộc cho Nhân dân là một việc làm cao thượng. Vì lẽ đó cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực về gần dân, kính trọng, phục vụ Nhân dân.
Tình cảm của Bác đối với đồng bào, chiến sĩ, với mọi tầng lớp nhân dân hết sức tự nhiên, hết sức con người. Những việc làm của Bác rất cụ thể, thiết thực, xuất phát từ tấm lòng của Bác. Về thăm nông dân, Bác ra tận ruộng, hỏi han và cùng tát nước, gặt lúa với bà con; về thăm công nhân Bác xuống tận công xưởng; Bác thăm bộ đội ngay tại trận địa pháo; Bác xuống tận bếp ăn hỏi thăm bộ đội có được ăn no không, cán bộ đại đội, tiểu đoàn có cùng ăn với chiến sĩ không; Bác thăm bệnh xá, hỏi có đủ thuốc cho bộ đội không, bộ đội hay mắc bệnh gì? Có đêm, Bác đi đến từng giường các chiến sĩ trong đội bảo vệ, giắt lại màn cho từng người. Một chiến sĩ ngủ bỏ tay ra ngoài, Bác nhẹ nhàng nhấc bàn tay đặt vào trong, rồi giắt màn lại cẩn thận.
Bác đã dành tình cảm đặc biệt cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Là Chủ tịch nước, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng cứ đến ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Bác đều gửi thư thăm hỏi thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Những lá thư của Bác chân tình mộc mạc, ai đọc lên cũng cảm nhận được tình thương yêu vô bờ bến của Người. Trong thư gửi gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng (tháng 01/1947), Bác cảm ơn gia đình bác sĩ “đã đem món quà quý báu nhất là con mình hiến dâng cho Tổ quốc”. Bác viết: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột…”7.
Tình thương yêu con người của Bác còn dành cho cả những người lầm đường, lạc lối… Bác vẫn đối xử một cách độ lượng, khoan dung. Năm 1946, Bác tới trại giam Hỏa Lò để thăm hỏi, khuyên bảo những phạm nhân ở đây. Bác tặng áo khoác cho họ, ân cần ngồi bên họ, khuyên bảo họ, nghe họ phân trần và Người đã rưng rưng nước mắt. Bác thường căn dặn, với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết.
Tình yêu thương con người của Bác không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim của Người. Tấm lòng nhân ái, hết lòng vì con người của Bác, không chỉ dừng lại đối với Nhân dân Việt Nam, mà còn mở rộng ra với Nhân dân lao động toàn thế giới. Quan điểm của Hồ Chí Minh là tất cả vì con người. Bác căn dặn: phải luôn luôn làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, từ đó nhân rộng gương tốt, việc tốt ra thành nhiều vườn hoa khác đẹp hơn, tốt hơn, toàn diện hơn.
Tấm lòng nhân ái, bao dung, tình yêu thương con người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho tới trước lúc đi xa, về với “thế giới người hiền”, trong lời Di chúc, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”./.
Người tổng hợp tin: Nguyễn Thị Thu Hà