Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là tác phong ứng xử xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người, được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của Người trên một số nội dung chủ yếu như:
Thứ nhất, sự chân thành, bình dị và khiêm tốn.
Đây không phải là một “nghệ thuật xã giao” mà là sự phản ánh trung thực tâm hồn, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh. Trong các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường thể hiện sự khiêm tốn, chân thành, Người không bao giờ đặt mình cao hơn người khác mà trái lại luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người xung quanh. Với một lời chào chân tình, một nụ cười niềm nở, một cử chỉ thân thiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa bỏ mọi sự cách biệt về chức vụ, địa vị, giữa cấp trên cấp dưới, giữa lãnh tụ với Nhân dân, đem đến cho mọi người ý thức về sự bình đẳng hoàn toàn giữa những con người tự do và dân chủ trên cơ sở tôn trọng giá trị nhân phẩm con người. Tất cả cử chỉ, hành động của Người đều toát lên sự chân thành, bình dị và khiêm tốn của một bậc vĩ nhân.
Thứ hai, yêu thương, tôn trọng con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ứng xử dựa trên cơ sở của tình người, yêu thương con người. Đó là lòng nhân đạo, tính nhân văn, là sự khoan dung, độ lượng trong hành xử ở cuộc sống. Với Người, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội – giai cấp đều phải đi đến giải phóng con người thì mới có ý nghĩa thiết thực. Tình yêu thương của Người không giới hạn ở một đối tượng cụ thể, một tầng lớp, thành phần nào trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại vô vàn những câu chuyện cảm động về tình cảm, ứng xử văn hóa đối với Nhân dân, với lớp người bị thiệt thòi do hậu quả quan niệm không đúng của xã hội thực dân, phong kiến.
Thứ ba, khoan dung, độ lượng với mọi người.
Từ lòng yêu thương và tôn trọng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tấm lòng khoan dung, độ lượng với tất cả mọi người. Đối với cán bộ và quần chúng Nhân dân, Người luôn ân cần, niềm nở; vừa thân ái, lại nhiệt tình; khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình nghiêm khắc, nhưng nghiêm khắc mà vẫn độ lượng, khoan dung để nâng con người lên chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người. Trong công tác xây dựng Đảng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Người chỉ rõ khi tự phê bình và phê bình phải góp ý cho nhau một cách thẳng thắn, có tính xây dựng, vì mục đích, lợi ích chung chứ không vì quan điểm cá nhân mà trù dập, công kích, kéo bè, kéo cánh, nói xấu, hạ bệ lẫn nhau.
Thời gian qua, trên cơ sở quán triệt các chỉ thị của Bộ Chính trị, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có ý thức xây dựng, đổi mới phong cách làm việc; đặc biệt chú trọng đến phong cách ứng xử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Thông qua việc học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng, ý thức rèn luyện đạo đức; có sự nhìn nhận toàn diện, cụ thể hơn về đạo đức, lối sống ứng xử của mình, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoàn thành tốt công việc mình phụ trách, xứng đáng là người đầy tớ của Nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã và đang thay đổi tác phong làm việc theo phương châm: đúng giờ, công tác đúng mực, đổi mới phương pháp làm việc; thay đổi thái độ phục vụ Nhân dân theo phương châm hòa nhã, tận tụy, gắn bó và gần gũi với Nhân dân; cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, gây mất thời gian, công sức, tiền của của Nhân dân,… Tuy nhiên, trong tác phong ứng xử của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: một số cán bộ chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, vẫn còn tình trạng quan liêu, xa rời dân, “nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo”; trong hoạt động hành chính còn có hiện tượng phiền hà, gây khó khăn, thiếu tinh thần phục vụ, làm cho người dân ngại gặp cán bộ, từ đó, tạo nên sự không thân thiện giữa cán bộ và Nhân dân. Năng lực làm việc của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước; chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình trước Nhân dân, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với cán bộ, và chính quyền,…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện phong cách ứng xử Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng đến từng cán bộ, đảng viên.
Hai là, yêu cầu tất cả các cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phong cách ứng xử chân tình, thân thiện, tôn trọng đồng chí đồng nghiệp, biết thương yêu và hướng tới việc thiện, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Ba là, xây dựng phong cách ứng xử có văn hóa ở các cơ quan, đơn vị; đặc biệt chú trọng quan hệ ứng xử với Nhân dân trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng Nhân dân.
Bốn là, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tác phong ứng xử của cán bộ, đảng viên, lấy đó làm một trong những căn cứ để nhận xét, đánh giá, kiểm điểm Đảng viên hàng năm.
Có thể nói, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, của dân tộc, hướng mọi người đến với cuộc sống chân, thiện, mỹ. Học tập, rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách ứng xử nói riêng là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, nguyện vọng của mỗi cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đã và đang phấn đấu học tập, rèn luyện phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng cách ứng xử có văn hóa với Nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em,…./.
Người tổng hợp tin: Nguyễn Thị Thu Hà