Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh

Địa chỉ: Số 11, Tổ 3, Khu Nam Trung, Phường Nam Khê, TP Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 0962.37.36.38 – 0203.3850.201

Email: btxhquangninh@gmail.com

Yên tâm với cuộc sống mới

Hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhăn, thấp bé ngồi trên chiếc xe lăn và nở nụ cười mỗi khi gặp các cháu nhân viên. Người phụ nữ ấy đã vượt qua những lo lắng của bản thân để yên tâm sống cuộc sống tốt…

Bà sinh ra trong một gia đình khá giả nên ngay từ nhỏ đã không phải lao động, được học hành mà ở cái thời của bà nhà nào cho con cái đi học được là có điều kiện lắm. Cũng vì lý do đó bà không làm quen các công việc đồng áng, nội trợ. Tuy nhiên, trời phú cho bà dù thấp bé nhưng tác phong nhanh nhẹn, khi trưởng thành bà làm mậu dịch viên tại một cửa hàng cho người dân. Thời bao cấp, tâm sức, trí lực của hàng triệu người phải dồn vào việc xếp hàng, chen lấn để mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Khi gạo, dầu, mắm, muối… đều trông chờ vào tem phiếu thì mậu dịch viên –người cầm cân phân phối hàng hóa cho nhân dân được coi là người có quyền lực.

Thời kỳ tem phiếu (Hình ảnh sưu tầm)

     Biết con người và công việc của bà nên nhiều người cũng ý muốn tìm hiểu. Nhưng không hiểu sao ngày đó bà không cảm thấy hợp với ai, vì vậy năm tháng trôi qua bà không lập gia đình. Hết thời kỳ tem phiếu, bà trở về nhà ở cùng gia đình em trai. Thời gian đó bà bắt đầu những ngày tháng học chăn nuôi, trồng trọt và nội trợ. Ban đầu bỡ ngỡ nhưng sau đó làm quen bà tìm thấy niềm vui trong công việc nội trợ. Nhưng cảm giác mình bị lạc lõng giữa chính người thân cứ bủa vây trong tâm trí. Mặc dù các em, các cháu rất quan tâm nhưng em đi làm, cháu đi học, chỉ có một mình ở nhà bà thấy cô đơn vô cùng.  Quanh quẩn, đi ra, đi vào tù túng vô cùng. Mấy người bạn cũng nói, giờ một thân một mình vào cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho có bạn. Bà suy nghĩ rất nhiều, sau đó bà cũng đặt vấn đề với gia đình là vào cơ sở chăm sóc người cao tuổi để sống. Trước khi đưa ra quyết định, bà lo lắng, cũng nghĩ suy nhiều. Và cuối cùng bà được đến một cơ sở dưỡng lão tại Hà Nội. Sống ở cơ sở hơn 8 tháng nhưng tâm lý bà không ổn định, bà luôn thấy bất an trong lòng mặc dù cán bộ, nhân viên ở cơ sở họ chăm sóc rất tốt. Nhiều khi tự nghĩ “Hay là già lẩm cẩm, khó tính rồi nên không hợp ai…?”. Nhưng cũng không muốn làm phiền ai, bà vượt qua rào cản tâm lý để sống tốt. Tai nạn ập đến khi bà bị trượt ngã và gãy khớp háng. Do cơ thể yếu nên không can thiệp được phẫu thuật y khoa. Những ngày tháng nẹp cố định bà cảm giác như bế tắc, bất lực, quanh mình như trống trải, không người thân. Bà khép mình không nói chuyện với ai, nhắm mắt lại cho qua ngày. Cơn đau đớn trên cơ thể khiến bà suy nhược trông thấy.

Vì hoàn cảnh gia đình, để thuận lợi người thăm nom, bà được em gái gửi vào chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh. Ngày đầu tiên vào Trung tâm, cũng tâm lý đó bà nóng nảy với tất cả mọi người, giờ nghĩ lại nhiều lúc thấy mình vô lý mà tại sao các cháu nhân viên vẫn chu đáo, mỉm cười chăm sóc…Nâng giấc ăn, giấc ngủ, hỗ trợ vệ sinh cá nhân hằng ngày. Có lẽ từ sự kiên trì, tận tâm của nhân viên bà đã có sự hợp tác với nhân viên. Người ta bảo cho đi là sẽ nhận lại, phải chăng nhân viên gửi trọn tâm huyết vào công việc thì sẽ nhận lại được nụ cười.

Giờ đây bà cười nhiều hơn, ngồi xe lăn đi dạo quanh khuôn viên Trung tâm, được tập những bài tập phục hồi bà cảm thấy khỏe hơn, tâm lý thoải mái. Bà nói tâm lý của bà giờ an tâm lắm, bà thấy được nơi mình sẽ gắn bó, thấy được những người luôn bên bà hằng ngày. Không hề gắt gỏng….tất cả mọi sinh hoạt đã hòa nhập cộng đồng, bà có người trò chuyện, có người tâm sự, được hát, được đọc thơ, được kể những câu chuyện cuộc đời…

Đâu đó trong mỗi chúng ta, cảm xúc là rất quan trọng. Từ một người tâm lý phức tạp giờ đây bà đã yên tâm với cuộc sống mới. Phải chăng sự sẻ chia hằng ngày là liều thuốc tâm an cho mỗi người. Thực sự đối với người cao tuổi, người bệnh những tình cảm gần gũi, yêu thương hằng ngày sẽ là động lực để họ vượt qua bệnh tật, suy nghĩ lạc quan, tích cực đón nhận cuộc sống.

Giờ thì bà đã hoàn toàn cảm thấy yên tâm với cuộc sống mới, dưỡng già, dưỡng bệnh và viết tiếp những câu chuyện tươi đẹp cho chính cuộc đời./.

Người viết: Nguyễn Thị Thu Hà

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Video giới thiệu

Lịch công tác

Bài đăng gần đây

Hình ảnh hoạt động

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Hôm qua: 48
Trong tuần: 368

Trong 30 ngày qua: 1893
Tổng truy cập: 959978

Đăng ký nhận tin.